Vấn nạn nạo vét cát biển đe dọa bờ biển và sinh vật biển

(TN&MT) - Những phát hiện từ một nền tảng dữ liệu mới của Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 6 tỷ tấn cát đang được khai thác từ biển và đại dương trên thế giới mỗi năm, đồng thời cảnh báo về thiệt hại nặng nề đối với đa dạng sinh học và những hậu quả nghiêm trọng.

Hàng tỷ tấn cát được khai thác hàng năm, gây thiệt hại nặng nề đến sinh vật và các cộng đồng ven biển. Ảnh: UNEP

Thực trạng đáng báo động

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cát đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong việc cung cấp các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế cũng như cung cấp sinh kế cho cộng đồng và duy trì đa dạng sinh học.

Cát là tài nguyên được sử dụng nhiều thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau nước. Thế giới sử dụng 50 tỷ tấn cát và sỏi mỗi năm, đủ để xây một bức tường rộng 27m và cao 27m quanh trái đất.

Là một nguyên liệu cần thiết để sản xuất bê tông, xây dựng cơ sở hạ tầng, cát rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đồng thời cung cấp môi trường sống cho động, thực vật và hỗ trợ đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, UNEP cho biết ngành công nghiệp nạo vét đang khai thác 6 tỷ tấn cát biển mỗi năm. Tốc độ khai thác đang tăng lên trên toàn cầu và gần đạt tốc độ bổ sung tự nhiên là 10 - 16 tỷ tấn trầm tích trôi vào các đại dương mỗi năm. Con số 6 tỷ tấn cát biển trên tương đương với hơn một triệu xe tải cát mỗi ngày, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học biển và sự phát triển của các cộng đồng ven biển.

Mặc dù việc khai thác cát và sỏi ở vùng biển nông là rất quan trọng đối với nhiều dự án xây dựng khác nhau nhưng chúng lại là mối đe dọa lớn đối với các cộng đồng ven biển đang phải đối mặt với mực nước biển dâng cao và bão.

Hơn nữa, ông Pascal Peduzzi, Giám đốc trung tâm phân tích GRID-Geneva của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: “Quy mô tác động môi trường của các hoạt động khai thác và nạo vét vùng biển nông là đáng báo động, bao gồm những tác động về đa dạng sinh học, độ đục của nước và tác động tiếng ồn đối với động vật có vú ở biển”.

UNEP cho biết thêm, khai thác cát cũng gây nguy hiểm cho hệ sinh thái ven biển và đáy biển, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển, chất dinh dưỡng từ biển và ô nhiễm tiếng ồn, cũng như ảnh hưởng đến tình trạng nhiễm mặn tầng nước ngầm và phát triển du lịch trong tương lai.

Coi cát là nguồn tài nguyên chiến lược

Trước thực trạng trên, Marine Sand Watch, nền tảng dữ liệu mới do Trung tâm phân tích GRID-Geneva của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát triển sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tín hiệu tự động từ tàu để theo dõi và giám sát các hoạt động nạo vét cát, đất sét, bùn, sỏi và đá trong môi trường biển trên thế giới. Nền tảng này sử dụng tín hiệu Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) cho các tàu kết hợp với AI để xác định hoạt động của các tàu nạo vét.

Theo UNEP, mặc dù nền tảng này là một công cụ đột phá nhưng hiện tại nó không thể phát hiện hoạt động khai thác thủ công và quy mô nhỏ dọc theo bờ biển nông. Ông Pascal Peduzzi cho rằng dữ liệu mới của UNEP báo hiệu nhu cầu cấp thiết phải quản lý tốt hơn tài nguyên cát biển và giảm tác động của việc khai thác ở vùng biển nông.

UNEP cho hay các thông lệ và quy định quốc tế rất khác nhau, trong khi các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Campuchia đã cấm xuất khẩu cát biển trong 2 thập kỷ qua thì các nước khác thiếu hệ thống luật pháp hoặc chương trình giám sát hiệu quả.

Quan chức cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ cũng như ngành công nghiệp nạo vét coi cát là nguồn tài nguyên chiến lược và nhanh chóng tham gia vào các cuộc đàm phán để tìm ra những giải pháp cải thiện các tiêu chuẩn nạo vét trên toàn thế giới.

Lời kêu gọi này phù hợp với giải pháp trong báo cáo về Cát và Tính bền vững năm 2022 của UNEP khi báo cáo đã chỉ rõ sự phụ thuộc của con người vào cát, do đó cát phải được công nhận là một nguồn tài nguyên chiến lược và cần khai thác, cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng tài nguyên này.

Báo cáo về Cát và Tính bền vững năm 2022 của UNEP kêu gọi tăng cường giám sát việc khai thác và sử dụng cát, đồng thời khuyến nghị chấm dứt khai thác cát từ các bãi biển và hệ thống cát gần bờ đang hoạt động cho mục đích khai thác. Cơ quan của Liên hợp quốc cũng kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế mới để quản lý việc khai thác cát biển.

"Nguồn tài nguyên cát trên trái đất là hữu hạn nên chúng ta cần sử dụng cát một cách khôn ngoan. Nếu biết cách quản lý cát, chúng ta có thể ngăn chặn khủng hoảng cát và tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn"

Ông Pascal Peduzzi, Giám đốc trung tâm phân tích GRID-Geneva của UNEP