Tín hiệu tích cực từ thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường

Bộ Giao thông vận tải vừa thông tin về tiến độ triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.


Ảnh minh họa: Sơn Vân/Báo Tin tức

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Công tác tổ chức thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã được thực hiện với nguồn cát biển khai thác tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Đoạn tuyến thí điểm đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8/2023, đang trong quá trình quan trắc, đánh giá. Chủ đầu tư cũng đã hoàn thành công tác xây dựng định mức khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan làm cơ sở áp dụng.

Đến nay, kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá được thực hiện qua 5 kỳ cho thấy, nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm, Bộ Giao thông vận tải cũng đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Geleximco, các chuyên gia Tập đoàn Boskalis Hà Lan. Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng cát biển trong các dự án xây dựng công trình giao thông tại Hà Lan và cung cấp thông tin có liên quan (tên dự án, thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ thi công, công nghệ khai thác cát biển, các yêu cầu về môi trường, độ mặn cát biển...) để tham khảo.

Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, báo cáo tiến độ triển khai công tác thí điểm lấy cát biển làm vật liệu thi công nền đường, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, các quy trình thủ tục đang được các bên liên quan rốt ráo triển khai, dự kiến nếu thuận lợi, đến trung tuần tháng 12/2023, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét, đánh giá kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu thi công hạ tầng giao thông một cách toàn diện.