Kêu cứu từ Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp

Ngày đăng: 12:00:33 16-09-2014

Gần 300 hộ dân thôn Cầu Đồng 9, Cầu Đồng 10 (xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho rằng, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp (NM) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường, do chỉ cách khu dân cư 150m.

Dân kêu chính quyền sai

Theo người dân nơi đây, dự án Nhà máy bắt đầu từ năm 2012, nhưng đến tháng 3.2014 người dân phát hiện một số máy ủi, máy xúc và thiết bị của chủ dự án là Cty CP đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch tập kết tại thôn Cầu Đồng 10 nên đã tổ chức canh chừng, không cho chủ dự án đưa máy vào.

Tiếp đó, ngày 7.6, chủ dự án tổ chức làm lễ khởi công, có tới 400 người của hai thôn Cầu Đồng 9, 10 và một số thôn xung quanh kéo đến không cho vào. Ông Nguyễn Văn Sai – đại diện thôn Cầu Đồng 9 - cho biết: Chúng tôi đã gửi 18 ý kiến lên cuộc họp cử tri HĐND tỉnh, nhưng không được xem xét.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng thôn Cầu Đồng 10 - cho biết: “Chúng tôi kiên quyết không đồng tình xây dựng Nhà máy với hai lý do: Cự ly khu vực dân sinh sống quá gần với Nhà máy (nơi gần nhất chỉ có 100m). Đây là khu vực trũng, mùa mưa bão luôn ngập, xây dựng Nhà máy tại đây chắc chắn sẽ không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khi, chính quyền không tuyên truyền, trả lời rõ ràng cho dân”.

bai-xu-ly-rac-thai

Khu xây dựng dự án xử lý rác thải

Thực tế, một số gia đình như nhà bà Thu, ông Hải ở thôn Cầu Đồng 10 chỉ cách khu đất xây dựng Nhà máy từ 150 – 200m. Những người dân nơi đây cho rằng, chính quyền địa phương đã điều chỉnh quy mô, hạng mục của dự án, bởi theo Quyết định 2109/QĐ – BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp” thì diện tích dự án chỉ nằm trên địa bàn xã Cao Xá (huyện Tân Yên). Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết: Nếu dự án có sự điều chỉnh lại với cả diện tích đất xã Ngọc Lý thì theo quy định, dự án phải ngừng triển khai, có đánh giá tác động môi trường lại...

Tác động môi trường ở xã Ngọc Lý đã được đánh giá?

Theo UBND xã Ngọc Lý, dự án được phê duyệt, diện tích dự án lấy đất thuộc xã Ngọc Lý là 3,3ha, còn lại hơn 30ha thuộc xã Cao Xá. Đất thuộc xã Ngọc Lý trước đây là ven ngòi làm gạch thủ công. Từ năm 2010, HĐND xã có nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng từ làm gạch thủ công sang nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2013, đất này tiếp tục chuyển đổi thành khu dịch vụ, giao cho chủ dự án đầu tư theo dự án của tỉnh. Ông Đoàn Văn Khương – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý - cho biết: “Việc xây dựng Nhà máy thế nào thì chúng tôi không được rõ lắm. Sau phản ánh của bà con, UBND huyện, xã cũng đã trực tiếp xuống làm rõ, giải thích, tuyên truyền, nhưng bà con không đồng tình”...

Bà con nông dân thôn Cầu Đồng 9, Cầu Đồng 10 đều cho rằng, dự án đã được điều chỉnh thu hẹp, đây chính là một trong những yếu tố bất thường của dự án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Quang Lượng khẳng định: “Quy hoạch dự án không thay đổi về diện tích so với ban đầu. Công tác tuyên truyền chi tiết như họp chi bộ, tổ chức cho dân hai thôn của xã Ngọc Lý đi tham quan... lúc đầu không thực hiện được. Sau khi phát hiện thiếu sót, UBND huyện cho dừng dự án, thực hiện lại công tác tuyên truyền từ đầu”...

Về cự ly giữa Nhà máy với khu vực dân cư, ông Lượng cho biết: Đã có đánh giá tác động môi trường của cơ quan tài nguyên môi trường. Khả năng ô nhiễm của Nhà máy chỉ bằng một phần mấy lò gạch thủ công hoạt động trước đây. Người dân phản ánh, UBND huyện đã có tiếp thu và ra thông báo điều chỉnh nội dung hoạt động sản xuất của chủ dự án như: Chủ dự án không xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực dự án... Để dự án xây dựng Nhà máy được triển khai sớm, UBND huyện Tân Yên tiếp tục tuyên truyền, để bà con trong khu vực dự án đồng thuận.