Thanh Hóa thay đổi thói quen với rác thải: Ứng xử có trách nhiệm với môi trường

(TN&MT) - Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút xã hội hóa, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư các công trình xử lý rác thải quy mô liên vùng, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục công tác tuyên truyền hướng tới thế hệ trẻ trong vấn đề bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức, thói quen và cách ứng xử của mỗi cá nhân đối với rác thải.

Đẩy mạnh thu hút xã hội hóa

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 16 bãi chôn lấp rác thải tại 15 huyện, thị xã, thành phố và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại 13 huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư khu xử lý chất thải rắn mới cho TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Như Xuân. Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành 2 nhà máy: Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, công suất 120 tấn/ngày tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công suất 100 tấn/ngày tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc).

Tuổi trẻ Thanh Hóa hưởng ứng phong trào ra quân dọn rác thải tại bờ biển 

Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Khối lượng chất thải rắn phát sinh nhiều, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các huyện còn thấp, nhất là khu vực miền núi; một số bãi rác hiện đã quá tải, tồn đọng nhiều chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Số lượng dự án xử lý rác thải rắn được chấp thuận chủ trương đầu tư còn ít, tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác thải đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm; việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh thu hút xã hội hóa, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư các công trình xử lý rác thải quy mô liên vùng, như: Dự án Nhà máy xử lý RTSH tại xã Đông Nam (Đông Sơn), với mục tiêu phục vụ xử lý RTSH cho TP. Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và vùng phụ cận, công suất xử lý 500 tấn/ngày. Đây là dự án xử lý rác thải lớn trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 554,96 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech làm chủ đầu tư. Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại phường Quảng Minh (TP. Sầm Sơn) với mục tiêu phục vụ xử lý RTSH cho TP. Sầm Sơn, công suất xử lý 300 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hai thành viên Môi trường Nam Thành Phố làm chủ đầu tư.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa: Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Đặt ra chỉ tiêu chủ yếu: Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đạt 83%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 90%. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Nâng cao vai trò của thế hệ trẻ đối với vấn đề môi trường

Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, vai trò của lực lượng Đoàn Thanh niên cơ sở trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải là rất thiết thực, quan trọng.

Một số bãi rác tại Thanh Hóa hiện đã quá tải, tồn đọng nhiều 

"Tại Thanh Hóa, tổng lượng RTSH phát sinh hằng ngày toàn tỉnh trung bình khoảng 2.774 tấn/ngày; trong đó, lượng chất thải ở khu vực nông thôn chiếm trên 75%, tương ứng với gần 2.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý RTSH hiện nay ước đạt 88,5% tổng RTSH phát sinh. Trong số rác được xử lý, tỷ lệ xử lý bằng công nghệ đốt 29,4%; xử lý bằng biện pháp chôn, lấp 67,9% và tỷ lệ rác được tái chế chỉ chiếm 2,7%."

Theo đó, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường đến các cấp bộ đoàn bằng các chương trình, kế hoạch hành động, các chỉ tiêu để đánh giá thi đua hàng tháng, hàng quý. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đoàn đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, như: đoạn đường thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp; các công trình vườn cây thanh niên, bồn hoa thanh niên ở các trường học, cơ quan, đơn vị; ra quân bóc, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép... Các chiến dịch ra quân làm sạch, đẹp môi trường đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở đoàn vào những ngày cuối tuần. 100% cơ sở đoàn đã tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến tháng 1/2023, toàn tỉnh trồng được hơn 5.000 cây xanh; duy trì hoạt động hiệu quả 540 mô hình câu lạc bộ “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”. Các phong trào hưởng ứng hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” toàn quốc lần thứ nhất năm 2023, 100% cơ sở đoàn đã đồng loạt ra quân với các hoạt động cụ thể, thiết thực. Toàn tỉnh đã tổ chức được 608 công trình, phần việc thanh niên, thu hút gần 4.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, trong đó, đã trồng mới hơn 10.000 cây xanh; nạo vét, khơi thông 12km kênh mương nội đồng; thu gom và xử lý hơn 6 tấn rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, rác thải biển...

Theo đại diện Tỉnh đoàn Thanh Hóa: Với tinh thần xung kích “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ Thanh Hóa đã và đang từng bước nâng cao ý thức, ứng xử văn hóa và trách nhiệm hơn vì một môi trường xanh - sạch - đẹp. Để phong trào hành động vì môi trường tiếp tục tạo sức lan tỏa sâu rộng, Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời, tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải... gắn với “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân.