Lý giải tình trạng chỉ số ô nhiễm không khí gia tăng ở Hà Nội

Ngày đăng: 03:38:38 02-04-2019

Chuyên gia cho biết, trạng chỉ số ô nhiễm môi trường tại Hà Nội tăng cao trong vài ngày gần đây là do ảnh hưởng của thời tiết, người dân không cần quá lo ngại.

​Những ngày gần đây, dư luận xôn xao vì nhiều thông tin phản ánh chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội đang ở mức nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là sự xuất hiện dày đặc bụi mịn. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường lại nhận định rằng, tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Thủ đô đang dần được cải thiện, việc chỉ số chất lượng không khí AQI ở ngưỡng nguy hiểm là do ảnh hưởng của thời tiết và diễn ra theo quy luật tự nhiên, không cần quá lo ngại.

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường - cho hay, thông số mà Tổng Cục đo được những ngày gần đây đều cho thấy môi trường không khí tại Hà Nội khá sạch, nhưng riêng ngày 11/3 vừa rồi, chỉ số AQI lại ở mức báo động đỏ, khiến nhiều người lo lắng. Ông Tùng cho biết, nguyên nhân của việc chỉ số AQI đột ngột tăng cao là do tác động của thời tiết. Cụ thể là bởi trời hanh khô, độ ẩm thấp, ít gió và mưa nên khiến lượng bụi mịn không được khuếch tán, tạo thành một đám bụi lơ lưngr trong không khí làm tăng chỉ số.

Các chuyên gia môi trường cũng khẳng định, chỉ số ở một thời điểm hiện tại không mang tính đại diện mà chỉ phản ánh ở từng thời điểm khác nhau. Ví dụ vào thời điểm giao thông đi lại nhiều, gió cuốn bụi lên thiết bị đo, cộng với thời tiết hanh khô và nghịch nhiệt trong mùa đông (trên lạnh, dưới nóng) dẫn tới chỉ số đo thực tế tăng vọt.

Muốn tính chất lượng không khí một thành phố, mật độ trạm quan trắc phải rải đều và theo dõi trung bình trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí của một địa phương, người ta phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục trong ngày đó làm đại diện, còn trong năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục (365 ngày x 24 giờ đo) làm trị số đại diện.

Nói về nguyên nhân tạo nên bụi mịn, ông Tùng cho hay, bụi mịn được sinh ra từ nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Tại Việt Nam, bụi mịn trong không khí được sinh ra chủ yếu là từ hoạt động sản xuất tại các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông công cộng thải ra. Ở một số nước như Indonesia, bụi mịn còn được sinh ra do hoạt động của núi lửa, ở Trung Quốc thì do gió thổi từ sa mạc...

Nói về loại bụi mịn PM2.5, ông nhận định đây là loại bụi nhỏ khá nguy hiểm với sức khỏe, ngay cả khi bịt khẩu trang thường cũng sẽ không thể cản được loại bụi này đi vào đường hô hấp mà cần đến những loại khẩu trang chuyên dụng hơn. "Bụi mịn PM2.5 có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, vào phổi, mạch máu, có khả năng gây nên nhiều bệnh mãn tính hoặc khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn".

Để phòng tránh những tác hại xấu đến sức khỏe mà bụi mịn mang đến, những người mắc các căn bệnh mạn tính cần hạn chế ra đường. Nếu phải lưu thông trên đường, người dân nên trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, kính... Chọn thời điểm ít phương tiện lưu thông khi ra đường, không nên để trẻ em ra đường vào những khung giờ cao điểm.

vtv.vn