Xây dựng phương pháp giám sát rác thải biển và ô nhiễm nhựa vùng ven biển

Ngày đăng: 10:39:13 25-03-2019

(Tin Môi Trường) - Ngày 23/3, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp với Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức khảo sát xây dựng phương pháp giám sát rác thải biển và ô nhiễm nhựa vùng ven biển tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Xây[-]dựng[-]phương[-]pháp[-]giám[-]sát[-]rác[-]thải[-]biển[-]và[-]ô[-]nhiễm[-]nhựa[-]vùng[-]ven[-]biển

Ảnh: IE

Bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình Biển và Vùng bờ, IUCN cho biết, rác thải nhựa trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Trong số 20 quốc gia được nghiên cứu, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hay từ biển và chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng rác thải nhựa tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các Khu Bảo tồn biển. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm rác thải trên biển.

Với mục tiêu xây dựng được một phương pháp chung, có thể áp dụng cho tất cả các địa điểm tại vùng bờ biển Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh xây dựng tài liệu “Phương pháp giám sát rác thải biển và ô nhiễm nhựa vùng ven biển”, dựa trên hướng dẫn của Cơ quan khí quyển đại dương Hoa Kỳ (NOAA) và Chương trình Liên hiệp Quốc về Môi trường (UNEP) và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Phương pháp được triển khai lần đầu tại Đồ Sơn, Hải Phòng với sự tham gia của các giảng viên, sinh viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên. Sinh viên được hướng dẫn thực hành phân loại các loại rác thải biển; rác nhựa; hướng dẫn cách thức xác định mặt cắt và điền thông tin chung sử dụng Google Earth và GPS qua điện thoại, thực tập điền mẫu thông tin chung và khảo sát thực tế. Sau đó, các tổ chức tiếp tục rút kinh nghiệm để triển khai tại hơn 20 điểm trên toàn vùng bờ Việt Nam vào tháng 6/2019.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất, sử dụng đồ nhựa nhiều nhất trên thế giới, song do bối cảnh và cách thức quản lý rác thải nhựa nên Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường nhiều nhất.

Để hạn chế sử dụng, xả rác thải nhựa ra môi trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cho rằng, nhà nước phải xây dựng chính sách pháp luật để có sự can thiệp hiệu quả, phù hợp, đảm bảo tính bền vững. Trước mắt, cần sự tham gia tích cực của mỗi người dân, chính quyền địa phương để triển khai các chiến dịch thu gom xử lý rác thải biển, trong đó có rác thải nhựa nhằm giảm thiểu các tác động của rác thải nhựa đối với môi trường sống.

Minh Thu