Sơn La: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 155 về xử phạt hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường, tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật; đẩy mạnh quán triệt, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về nội dung Nghị định; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực BVMT.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 155 là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Sơn La đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Kết quả cụ thể, từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/12/2020, tỉnh Sơn La đã xử phạt 180 vụ vi phạm hành chính với tổng tiền phạt hơn 4,6 tỷ đồng; trong đó, 4 vụ vi phạm phải đình chỉ hoạt động, 3 vụ vi phạm tước quyền sử dụng giấy phép.

Sơn La tăng cường thanh, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các nhóm hành vi sai phạm bị xử phạt thuộc 3 nhóm: Nhóm hành vi về hồ sơ, thủ tục hành chính; nhóm hành vi về xả nước thải, khí thải và nhóm hành vi về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.

Nguyên nhân các hành vi trên là do còn có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân chạy theo lợi nhuận, cố tình không xử lý chất thải nguy hại nhằm giảm chi phí; năng lực xử lý chất thải nguy hại chưa đáp ứng đủ nhu cầu; đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm đều là người có nhận thức không đầy đủ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mùa vụ…

Nhìn chung, qua công tác thanh, kiểm tra đã tạo sự chuyển biến tích cực với các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều tổ chức, cá nhân có ý thức khắc phục các tồn tại, vi phạm, quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn về môi trường, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, trong quá trình xử phạt vi phạm còn gặp một số khó khăn. Đơn cử, thẩm quyền xử phạt vi phạm của Chủ tịch UBND cấp xã còn thấp, do nhiều hành vi có mức phạt dưới 10 triệu đồng, với đặc thù tỉnh miền núi đi lại khó khăn, để hoàn thiện thủ tục hồ sơ chuyển lên cấp huyện với trường hợp vi phạm hành chính mất nhiều thời gian; việc xử lý mất tính kịp thời dẫn tới việc các đối tượng có thời gian trốn tránh, không hợp tác.

Qua hoạt động thanh, kiểm tra, đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các đơn vị.

Việc áp dụng quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 9, Điều 20 Nghị định số 155 còn gặp vướng mắc do các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm đều là những người có nhận thức không đầy đủ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định (chủ yếu là theo thời vụ, không có hợp đồng rõ ràng, sử dụng phương tiện làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh) hoặc là người làm thuê (lái xe thuê).

Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành, hầu hết các đối tượng đều chấp hành biện pháp xử phạt chính (phạt tiền), một số trường hợp (cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ... quy mô nông hộ) do không áp dụng được biện pháp ngăn chặn (tạm giữ thiết bị, máy móc...) nên cố tình không hợp tác, chây ỳ không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Qua quá trình triển khai thực tế tại địa phương, Sở TN&MT Sơn La kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu với Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung. Cụ thể, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu phương tiện vi phạm hành chính” đối với từng khối lượng vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 20.

Điều chỉnh tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 11; điều chỉnh giảm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5 Điều 11;

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 15. Bổ sung trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với lĩnh vực bảo vệ môi trường (do trình tự thủ tục cưỡng chế theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP chưa phù hợp với biện pháp khắc phục hậu quả “buộc phải có biện pháp xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải”).

Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với UBND cấp xã. Tăng cường chế tài xử lý vi phạm hành chính, mở rộng thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường với các hành vi không có các thủ tục pháp lý, hồ sơ về bảo vệ môi trường để thuận lợi cho công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở cơ sở.

Như vậy trong công cuộc bảo vệ môi trường không tránh khỏi những khó khăn nảy sinh, xảy ra các sai phạm từ các đơn vị. Do đó không chỉ riêng ở Sơn La mà ở mọi địa phương các ban lãnh đạo chuyên ngành cần có những biện pháp nghiêm ngặt triệt để xử lý các vi phạm hiệu quả.

Nguồn: Nguyễn Nga - monre.gov.vn (30/6/2021)