Khuyến khích hỏa táng để bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất

(TN&MT) -  Hội thảo “Công nghệ hỏa táng bảo vệ môi trường” do Tổng Công ty CP Hợp Lực vừa tổ chức  có sự tham dự của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng về việc ứng dụng các công nghệ mới trong hỏa táng, nhằm bảo vệ môi trường ở các địa phương. 

Công nghệ hoả táng TABO cần được áp dụng trên nhiều tỉnh thành cả nước trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Hợp Lực đã chia sẻ về công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hỏa táng. Công ty đang phối hợp triển khai các dịch vụ hỏa táng, xây dựng các công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng ở nhiều địa phương trong cả nước, với lò hỏa táng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và hiệu quả hơn bằng vật liệu bền vững. Trong đó, lò hỏa táng TABO với công nghệ Thụy Điển được đánh giá là công nghệ cao cấp nhất, đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn môi trường với 4 không: Không mùi, không khói, không bụi, không độc hại. Lò đốt này còn giúp tối ưu điện năng, tiết kiệm chi phí, thời gian, quỹ đất và bảo vệ môi trường sống.

Mặc dù có nhiều lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường với công nghệ hoả táng mới, song việc thực hiện khuyến khích các địa phương áp dụng công nghệ này vẫn chưa được triển khai một cách đồng bộ. Ông Phùng Kim Sơn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, các Thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM là vùng đô thị, quỹ đất eo hẹp nên việc hoả táng diễn ra thuận tiện hơn đối với địa phương hay các vùng miền núi, các vùng dân tộc thiểu số, người dân vẫn sống và hoạt động chủ yếu bằng nông nghiệp, vì vậy công nghệ hoả táng chưa thể đưa vào thực tiễn tại các khu vực này.

Ông Phùng Kim Sơn đưa ra đề xuất về công tác triển khai hoạt động công tác hoả táng bảo vệ môi trường trên các địa bàn tỉnh  

Để thực hiện tốt công tác hoả táng bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất cho các tỉnh địa phương, ông Phùng Kim Sơn đưa ra kiến nghị về chính sách, các nhà đầu tư cần cân đối, tối ưu các chi phí vận chuyển, giá thành vật liệu để đầu tư vào công nghệ hỏa táng, xây dựng công viên nghĩa trang với những phương án phù hợp thực trạng và hoàn cảnh hiện tại của địa phương nói chung và của nhân dân nói riêng, đặc biệt là các địa phương có các dân tộc anh em sinh sống, trong đó tín ngưỡng và điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Dưới góc độ pháp luật, liên quan đến công tác thúc đẩy, khuyến khích sử dụng công nghệ hỏa táng PGS,TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, hình thức hỏa táng là phương án ưu việt, thời gian tới cần có giải pháp để xây dựng phương thức hỏa táng được ứng dụng phổ biến ở Việt Nam. Theo đó, PGS,TS. Dương Đăng Huệ đề xuất cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích người dân thực hiện, ngoài ra giá dịch vụ hỏa táng cần điều chỉnh phù hợp để người dân có thể tiếp cận, thủ tục, giấy tờ liên quan hỏa táng cũng cần đơn giản hoá hơn, tạo điều kiện thúc đẩy sử dụng.

Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh ưu đãi của chính quyền các địa phương, cần có nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ người dân có thể tiếp cận dịch vụ này. Từ đó nhân rộng, phát triển đưa hình thức hỏa táng trở thành dịch vụ văn minh và tất yếu, góp phần bảo vệ môi trường sống, tiết kiệm đất đai và nâng cao đời sống văn hoá.