Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối xả nước thải không qua xử lý ra môi trường

Ngày đăng: 15:04:27 10-12-2014

Theo ghi nhận vào lúc 00 giờ 02 phút ngày 5/12/2014, Đoàn thanh tra công tác BVMT của Tổng cục Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã phục kích bắt quả tang Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Phố Nối đang xả nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường.

Theo đó, Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối xả nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường qua đường ống trái phép đường kính 300mm. Vào thời điểm Trung tâm đang xả trộm nước thải có ông Trần Quốc Việt là cán bộ đang trực vận hành hệ thống xử lý. Theo lời khai của ông Việt, ông Việt đã mở van trái phép nước thải qua đường ống này vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 4/12/2014. Thời điểm dự kiến xả trong khoảng 04 giờ theo như thông lệ đã xả từ trước đến nay được ghi trong Sổ giao ca và ký trực.

kiem-tra-xa-thai-trom-tai-hung-yen

Theo ghi nhận của Đoàn thanh tra và báo cáo của Trung tâm, mỗi ngày Trung tâm xả 01 lần trong khoảng 04 giờ liên tục, bắt đầu từ 22 giờ, 23 giờ hoặc 24 giờ hôm trước, lượng nước thải trung bình khoảng 3.500m3/ngày.

Tại thời điểm bắt quả tang, nước thải có màu đen, nhiều vẩn đục, bốc mùi hôi thối. Đoàn thanh tra đã đã tiến hành lấy 02 mẫu nước thải (01 mẫu lưu và 01 mẫu phân tích các thông số ô nhiễm).

Qua xem xét Sổ ghi nước thải do Trung tâm cung cấp, Đoàn thanh tra phát hiện, bên cạnh việc xử lý nước thảicho KCN Dệt may Phố Nối B, Trung tâm còn xử lý nước thải sản xuất của Công ty Minh Tâm chở đến là 4.782 m3 (từ ngày 20/6/2012 đến ngày 24/10/2014) và Công ty Mỹ Hưng khoảng 09 m3 (từ ngày 23/4/2012 đến ngày 20/12/2012). Đoàn thanh tra đã yêu cầu Trung tâm cung cấp Giấy đề nghị xuất kho (hóa chất xử lý nước thải) và 12 Sổ giao ca và ký trực năm 2014 để Đoàn thanh tra nghiên cứu, xác định phạm vi.

Trước đó, ngày 31/10/2014 và ngày 4/12/2014, Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra và kiểm tra đột xuất Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối.

ong-xa-ngam

Theo đó, Đoàn thanh tra đã phát hiện Trung tâm còn một số tồn tại, vi phạm như: Chưa đăng ký cấp lại sổ đăng ký CTNH theo quy định; Chưa cung cấp đầy đủ chứng từ quản lý CTNH theo yêu cầu của Đoàn; Xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo Giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi đã được cấp; Bố trí khu vực lưu giữ CTNH không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; Chưa chuyển giao đầy đủ các loại CTNH cho đơn vị có chức năng xử lý (chưa chuyển giao bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau dính dầu, bao bì đựng hóa chất thải).

Tại thời điểm kiểm tra đột xuất, Đoàn thanh tra nhận thấy nước thải xung quanh khu vực kênh Trần Thành Ngọ (là nguồn tiếp nhận nước thải của Trung tâm) có màu đen, đặc trưng cho nước thải dệt nhuộm. Đoàn thanh tra đã phát hiện Trung tâm đã dừng hoạt động Bể xử lý hiếu khí số 2. Theo báo cáo, Trung tâm đang cải tạo hệ thống để tăng thời gian xử lý vi sinh.

Theo đó, nước thải được đấu tắt bằng đường ống thép đường kính 300 mm từ Bể hiếu khí số 1 vào hệ thống lọc qua than hoạt tính. Tuy nhiên, đường ống đấu tắt này được chia làm hai đường, 01 đường đưa nước thảivào hệ thống lọc qua than hoạt tính, 01 đường có miệng xả vào hố thu nước thải sau xử lý; trên miệng xả này được lắp đặt 01 van khóa điều khiển đóng mở dễ dàng theo ý của người vận hành. Đoàn đã yêu cầu Trung tâm mở van khóa này thì nước thải có màu đen xả trực tiếp ra ngoài. Vì vậy, Đoàn thanh tra yêu cầu Trung tâm tháo dỡ hoặc hàn bịt đường ống này, báo cáo kết quả về Tổng cục Môi trường để kiểm tra.

Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối (viết tắt là Trung tâm) trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam có địa chỉ tại KCN Dệt may Phố Nối B, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2005 trên tổng diện tích mặt bằng của Trung tâm là 11.648 m2 và số lượng cán bộ, công nhân viên hiện có là 05 người.

Hiện nay, Trung tâm đang thu gom nước thải từ 11 Doanh nghiệp trong Khu công nghiệp về hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng khối lượng từ 2.500 - 3.000 m3/ngày.đêm; công suất thiết kế của hệ thống xử lý là 10.000 m3/ngày.đêm, điểm tiếp nhận là kênh Trần Thành Ngọ.