Nhà cho công nhân các khu công nghiệp

Ngày đăng: 15:25:05 22-10-2014

Nhà ở và vấn đề đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Nó là lĩnh vực đòi hỏi sớm có những quốc sách mang tầm chiến lược.

Vị trí và thực trạng vấn đề nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp

Phát triển khu công nghiệp tạo ra một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ (kể cả số lao động của những hộ gia đình bị thu hồi đất) và lao động nhập cư. Những năm gần đây, lực lượng lao động trong khu công nghiệp gia tăng mạnh mẽ gắn liền với sự gia tăng của các khu công nghiệp thành lập mới và mở rộng, các dự án hoạt động trong khu công nghiệp. Chỉ tính riêng trong thời kỳ 2001 – 2005, các khu công nghiệp đã thu hút thêm 65,6 vạn lao động trực tiếp, tăng gấp 4 lần so với thời kỳ trước (1991 – 2000).

Tính đến tháng 7-2006, cả nước có 135 khu công nghiệp và khu chế xuất được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thu hút trên 865,64 nghìn lao động trực tiếp. Số lao động trực tiếp này chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 14,3 vạn, tỉnh Bình Dương có hơn 13 vạn, tỉnh Đồng Nai có trên 18,8 vạn. Ngoài ra, nếu tính cả số lao động gián tiếp thì tổng số việc làm được tạo ra từ chương trình phát triển khu công nghiệp khoảng trên 1,2 triệu người. Tỷ trọng lao động nhập cư trong tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp của cả nước chiếm bình quân khoảng 37%. Tuy nhiên, ở các tỉnh, thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tỷ lệ này chiếm trên 50%.

nha-cho-cong-nhan

Thu nhập bình quân một tháng (kể cả tiền lương và tiền thưởng) của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong các doanh nghiệp trong nước (kể cả lao động nhập cư) bình quân từ 600.000 đồng – 700.000 đồng/tháng và trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập trên, chỉ có những người lao động tại địa phương mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu cho bản thân, còn những người lao động nhập cư thì rất khó khăn do phải trang trải thêm nhiều chi phí khác như thuê nhà ở, tiền điện, tiền nước,…(chưa kể đến chi phí cho nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, học tập).

Lao động di cư tới các khu công nghiệp đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc cung ứng nguồn lao động và bù đắp sự thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là nguồn lao động giản đơn và không có chuyên môn kỹ thuật, góp phần quan trọng vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh và thành công của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành gia công xuất khẩu và sử dụng môi trường lao động. Sự gia tăng nhanh về số lượng(1) của các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện tại các khu công nghiệp trong các ngành (2) sử dụng nhiều lao động đã tạo ra lực hút mạnh đối với lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp.

Sự gia tăng nhanh về số lượng lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc cho các địa phương có các khu công nghiệp, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người lao động có mức thu nhập thấp.

Những bất cập và bất hợp lý về vấn đề nhà ở tại các khu công nghiệp

Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thường chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển; chưa chú trọng gắn việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng khu công nghiệp với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư.

Thực tế phát triển các khu công nghiệp thời gian qua đã đặt ra vấn đề nhà ở cần phải được giải quyết phù hợp với thu nhập của công nhân, nhất là công nhân nhập cư. Tại một số địa phương như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, v.v… đã bước đầu triển khai song song với các đề án phát triển khu công nghiệp là các dự án phát triển nhà nhằm tạo tiện ích công cộng cho công nhân yên tâm và có điều kiện làm việc. Đây là vấn đề khá bức bách đặt ra đối với các địa phương khi tiến hành phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là bước đầu. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề án này để sớm đưa ra chính sách giải quyết.

Tình trạng hàng trăm nghìn công nhân nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp chưa có nhà ở trở thành phổ biến đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp không những cho bản thân người công nhân nhập cư, mà cả các địa phương nơi có khu công nghiệp, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…

Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá chính sách di dân tới đô thị năm 2005 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XI, tại Đồng Nai, đa số công nhân ngoại tỉnh vẫn phải thuê nhà với mức tối thiểu 50.000 đồng/người/tháng, với diện tích bình quân 4,4m2/người. Mỗi phòng không dưới 4 -5 người. Chất lượng nhà cho thuê, điều kiện vệ sinh, nước, điện chưa đảm bảo yêu cầu. Đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thiếu nhất là các cơ sở sinh hoạt văn hóa thể dục thể thao, giải trí…

Hiện tại, các khu công nghiệp trên cả nước thu hút được hơn 86 vạn lao động trực tiếp, trong đó có gần 30 vạn lao động nhập cư. Ở hầu hết các khu công nghiệp cả nước, số người lao động nhập cư có điều kiện sống rất khó khăn. Do lao động nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp tăng mạnh về số lượng, dẫn tới nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi hầu hết chính quyền địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp đều chưa chú trọng tới việc xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá thấp. Điều này chủ yếu do việc xây dựng nhà ở đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, nên rất ít doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Các địa phương phát triển nhanh về khu công nghiệp cũng chưa có những quyết sách căn cơ để giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân nhập cư.

Cụ thể, Bình Dương mới chỉ đảm bảo nhà cho 15% số lao động, Đồng Nai: 6,5%, Thành phố Hồ Chí Minh: 4%. Hiện nay, nhiều địa phương mới chỉ có dự kiến quy hoạch phát triển nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, nhưng chưa có định hướng rõ và có chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động.

Số lao động nhập cư thường phải thuê nhà trọ ở khu vực xung quanh khu công nghiệp để cư trú với chất lượng thấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh và điều kiện sống tối thiểu. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động nhập cư và vấn đề vệ sinh môi trường sống của những khu vực xung quanh khu công nghiệp. Với mức thu nhập thấp và điều kiện nhà ở khó khăn hiện nay, người lao động rất thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu tình cảm. Đặc biệt, trong các khu công nghiệp có số lao động nữ nhiều, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể quan tâm thỏa đáng.

Hầu hết các luật, pháp lệnh quy định vấn đề liên quan đến di cư đều chỉ mới dừng lại ở các quy định có tính nguyên tắc chung, áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi cả nước (kể cả tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam). Vì vậy, nội dung các quy định chủ yếu mang tính khái quát mà không đề cập đến các nhóm đối tượng áp dụng đặc thù như lao động di cư đến làm việc tại các khu công nghiệp. Mặc dù nội dung của Hiến pháp, Luật pháp và Pháp lệnh đều không có những quy định thể hiện sự phân biệt đối xử với lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp, nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của Chính phủ, bộ, ngành liên quan tới một số vấn đề cụ thể như hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh, giáo dục (nhập học và tuyển sinh vào các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học), vay vốn tạo việc làm và sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, mua và trao đổi nhà ở thành phố, mắc điện, mắc nước… đã đưa ra một số điều kiện và thủ tục ràng buộc quá chặt chẽ (đặc biệt là yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn), vì vậy, người dân, mà chủ yếu là người lao động nhập cư khó có thể thụ hưởng một cách toàn vẹn các quyền cơ bản của họ.

Đối với người lao động nhập cư, vấn đề quan trọng là việc đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố, nhưng việc này rất khó khăn, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động nhập cư, gây trở ngại đối với họ trong việc hưởng các quyền cơ bản (3) hiến định của công dân, trong đó có quyền lợi về nhà ở.

Một số kiến nghị đề xuất

- Để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới việc quan trắc khu công nghiệp, trong Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư cần quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư trong việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp. Bảo đảm việc phát triển các khu công nghiệp phải đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở và các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân, có những chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển và đào tạo nghề, chính sách đặc biệt ưu đãi nhằm phát triển nhà ở cho công nhân (hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp,…).

- Bộ Xây dựng cần sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách về xây dựng nhà ở đối với công nhân trong khu công nghiệp; hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên và xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

- Cần sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, nhằm tạo điều kiện và sự chủ động cho các địa phương triển khai xây dựng và phát triển các khu công nghiệp theo quy hoạch một cách đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị và các công trình dịch vụ – tiện ích công cộng cần thiết khác; tránh thành lập khu công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách chủ quan, duy ý chí, gây nên sự lãng phí về đất đai và vốn đầu tư, đồng thời giúp các bộ, ngành có căn cứ theo dõi và kiểm tra việc phát triển các khu công nghiệp ở các địa phương.

- Quy hoạch khu công nghiệp phải được gắn với quy hoạch khu nhà ở cho công nhân. Quy hoạch khu nhà ở cho công nhân cần đáp ứng quy hoạch chung của đô thị, nhà ở dành cho công nhân và là một bộ phận cấu thành của hệ thống nhà ở đô thị. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân phải gắn với các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án khu đô thị mới để đảm bảo tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội.

- Cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu cho người lao động trong khu công nghiệp, đồng thời điển hình hóa các thiết kế nhà ở nhằm thống nhất và đảm bảo phù hợp với nhu cầu và khả năng của người lao động trong khu công nghiệp. Đồng thời, khi quy hoạch nhà ở khu công nghiệp cần tính toán nhu cầu, khả năng nhà ở của người lao động, từ đó định hướng việc xây dựng các loại hình nhà ở với quy mô, mức độ hiện đại và giá thành hợp lý.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài việc xây dựng nhà ở từ nguồn vốn nhà nước, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để cho thuê, thuê mua, bán trả dần (trả góp), trả chậm… theo cơ chế thị trường để góp phần tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng, kể cả các đối tượng có thu nhập thấp; ban hành quy định cụ thể về phương thức thanh toán tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở thông qua ngân hàng phù hợp với pháp luật về kinh doanh bất động sản. Khuyến khích xã hội hóa về nhà ở đồng thời thực hiện chính sách tạo điều kiện, không thả nổi cho thị trường tự điều tiết.

Có chính sách hỗ trợ, miễn giảm tiền thuê đất đối với việc xây dựng nhà ở cho người lao động và người có thu nhập thấp để việc xây dựng nhà ở cho thuê hoặc bán đảm bảo: thu hồi được vốn và có lãi đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện cho người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá rẻ, chất lượng vừa phải.

- Thành lập quỹ nhà ở cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp nhằm hỗ trợ tiền thuê, mua nhà cho người lao động có thu nhập thấp làm việc trong các doanh nghiệp khu công nghiệp. Quỹ này được hình thành dựa trên đóng góp từ ngân sách địa phương, vận dụng đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan trên địa bàn.

- Cần ban hành cơ chế kiểm soát giá chặt chẽ, cho thuê nhà ở chặt chẽ, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá nhà ở mua hoặc cho thuê ở mức bất hợp lý, không phù hợp với khả năng của người lao động trong khu công nghiệp.

- Xây dựng các chế tài cụ thể quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, doanh nghiệp phát triển hạ tầng và người lao động trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp.

- Điều chỉnh hợp lý thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp và người có thu nhập thấp. Phát hành trái phiếu phát triển nhà ở để huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực nhà ở, đặc biệt là nhà ở có giá cho thuê hợp lý.

- Ưu đãi, hỗ trợ về thuế cho người dân tham gia xây dựng nhà ở cho người lao động tại các địa bàn có khu công nghiệp như: miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất đối với các cá nhân có nhà ở cho người lao động thuê nhằm giảm bớt chi phí đánh vào tiền thuê nhà ở của người lao động. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về việc xây dựng nhà ở, quản lý nhân khẩu, an ninh, trật tự,… nhằm đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động.