Quang cảnh buổi toạ đàm
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
Mặc dù các chính sách và quy định đã được thiết lập, việc kiểm soát nguồn thải và quản lý chất thải rắn vẫn là một thách thức lớn. Chất thải rắn, đặc biệt là chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng, tạo áp lực lớn lên hệ thống xử lý và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh: "Tọa đàm hôm nay với mong muốn tạo diễn đàn trao đổi, thu nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý và cử tri về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn; những tồn tại, khó khăn và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Từ đó, khuyến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải, chất thải rắn; tìm kiếm những giải pháp công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới việc phát triển xanh và bền vững”.
Tại tọa đàm, các đại biểu là nhà lập pháp, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng "0” cho đến năm 2050, việc tìm các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn là vô cùng cần thiết. Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý, giải pháp công nghệ xử lý, tái chế đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam.