Trên nhiều đoạn sông Nhuệ, Đáy, nước chưa được sử dụng đúng mục đích

Ngày đăng: 04:40:33 13-12-2016

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng phát biểu tại hội thảo

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho Báo cáo kết quả phân vùng theo mục đích sử dụng nước trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Theo báo cáo của Trung Tâm quan trắc môi trường (đơn vị thực hiện báo cáo), lưu vực sông Nhuệ Đáy được phân vùng theo mục đích sử dụng với 34 đoạn. Các sông được phân vùng gồm có sông Nhuệ (6 đoạn), sông Đáy 21 đoạn và các đoạn phụ lưu chính của hai sông này gồm sông La Khê, Bùi, Ngoài Độ, Hoàng Long, Đào, Ân, Vạc là 7 đoạn.

Kết quả đánh giá mức độ phù hợp giữa phân vùng mục đích sử dụng nước và hiện trạng chất lượng nước cho thấy có 17/27 đoạn sông nuệ và sông Đáy sử dụng nước phù hợp với chất lượng nước. Trên sông Nhuệ có 3/6 đoạn sông hiện đang sử dụng không phù hợp bao gồm đoạn từ đầu nguồn hợp lưu sông Hồng đến hợp lưu sông La Khê và 2 đoạn từ đập tràn Đỗ Hà đến hết gianh giới Hà Nội tại Ứng Hòa. Các đoạn sông này hiện đang sử dụng nước cho mục đích tưới tiêu trong khi chất lượng nước chỉ phù hợp cho mục đích giao thông thủy, thậm chí có đoạn còn chất lượng nước còn không sử dụng nước cho bất kỳ mục đích nào.

Góp ý cho Báo cáo, các đại biểu cho rằng, kết quả phân vùng này sẽ là căn cứ quan trọng trong quá trình giám sát, cải thiện chất lượng nước trên toàn lưu vực sông, là nguồn thông tin bổ trợ cho Quy hoạch bảo vệ môi trường LVS Nhuệ - Đáy. Tuy nhiên để đưa các kết quả này vào sử dụng thực tế cần có sự đồng thuận của các địa phương trong LVS đặc biệt là đối với các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.

Mặc dù báo cáo đã được nghiên cứu, xây dựng khá hoàn thiện, số liệu rõ ràng, chính xác. Tuy nhiên, theo các đại biểu cần bổ sung vào báo cáo các giải pháp, đề xuất cụ thể cho từng đoạn nhằm nâng cao chất lượng nước của lưu vực sông…

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng yêu cầu tổ soạn thảo nên cân nhắc đưa thêm số liệu của lưu vực sông Nhuệ - Đáy vào mùa mưa nhằm tăng tính toàn diện của báo cáo. Đơn vị chủ trì cần bổ sung các thông tin, kiến nghị gắn liền với quy hoạch tài nguyên nước, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đối với từng vùng, địa phương.