Nghịch lý chuyện nước sạch ở thành phố Hưng Yên

Ngày đăng: 00:34:09 13-10-2009

nuoc-sach

Được dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày tưởng như là chuyện "thường ngày" đối với hầu hết người dân thành thị. Tuy nhiên, đối với nhiều hộ dân ở thành phố Hưng Yên, để có được nước sạch đối với nhiều gia đình lại rất "xa xỉ". Xung quanh việc dùng nước sạch ở thành phố này đang diễn ra một nghịch cảnh: "nơi thì khát nước, nơi thì thờ ơ".

Nơi không có thì khao khát

Nhiều năm nay, người dân ở các phường An Tảo, Hồng Châu (thành phố Hưng Yên), luôn bức xúc về vấn đề nước sạch. Cho đến nay, những hộ dân này vẫn đang phải tự tìm nguồn nước cho mình từ nước giếng khoan, nước mưa... Theo phản ánh của người dân thì nguồn nước ngầm ở đây đang bị ô nhiễm, nhưng vì không còn cách nào khác nên vẫn phải khoan giếng, tuy nhiên nước bơm lên vẫn có mùi tanh nồng. Để có nước dùng và nước nấu ăn, uống nên đành phải chấp nhận, nhà nào kinh tế khá giả thì đi mua hoặc sử dụng bình lọc. Bà Nguyễn Thị Tỉnh và nhiều người dân phố An Đông, phường Hiến Nam giãi bày: Từ mấy năm trước, hễ mỗi lần thấy công nhân về đào đường để lắp đặt hệ thống nước máy, người dân ai cũng vui mừng. Nhưng rồi họ cứ đào lên được thời gian ngắn rồi lại lấp xuống, bà con cứ khao khát chờ đợi mãi mà chẳng thấy nước sạch về, chẳng hiểu bao giờ mới được sử dụng nước máy đây?.

nuoc-hung-yen

Tương tự tại phường An Tảo cũng rất “khát” nước sạch. Mặc dù nguồn nước ngầm ở đây có khá hơn nhưng người dân vẫn cảm thấy không yên tâm khi sử dụng nước giếng khoan, nên nhà nào cũng xây bể để chứa nước mưa hoặc xây các bể lọc nước. Nước mưa thì dùng để nấu ăn, uống, còn nước giếng khi lọc xong thường để dùng phục vụ tắm, giặt. Nhưng rồi đến mùa khô, thời tiết ít mưa, các bể chứa cũng cạn dần, người dân lại đành phải sử dụng nước giếng khoan để ăn, uống.

Ông Nguyễn Văn Tiến và các hộ dân khu phố An Bình cho biết, ngoài nước giếng khoan và nước mưa, hiện trên thị trường có bán các thùng nước tinh khiết giá rẻ, nhưng không yên tâm về chất lượng. Vì không có nước sạch nên đành phải sử dụng. Do vậy bà con rất mong các cơ quan chức năng của thành phố quan tâm để người dân được sử dụng nước sạch, sống giữa thành phố mà vẫn phải sống cảnh "nước giếng đèn dầu" như xưa thì thật không ổn.

Nơi có thì thờ ơ

Ngược với khao khát nguyện vọng của người dân ở các phường Hồng Châu và An Tảo, khá nhiều người dân đường Tô Hiệu (phường Hiến Nam) và đường Chùa Chuông (phường Lê Lợi) lại tỏ ra "thờ ơ" với các dự án nước sạch. Dù chỉ nằm ngay gần nhà máy nước, nhưng phần lớn bà con đều tỏ ra chê bai nước máy. Nhiều hộ dân đường Tô Hiệu và Chùa Chuông cho biết: bà con đã dùng nước máy từ lâu rồi, tuy mang tiếng là nước sạch nhưng nhiều nhà không yên tâm, bởi chất lượng nước không đảm bảo, khi uống có vị mặn và ngang, nhiều khi đục ngầu có lắng cặn vàng, để giặt giũ thì chỉ sau một thời gian áo trắng chuyển sang ố vàng hoặc xỉn lại. Hơn nữa, theo người dân khu phố Chùa Chuông, do chi phí lắp đặt đường ống và các thiết bị quá cao nên người dân không muốn. Do vậy nhiều nhà đành phải quay lưng với nước máy, trở lại dùng nước giếng khoan như xưa.

Điều gây bức xúc trong dư luận hiện nay là chất lượng phục vụ của đơn vị cấp nước. Vào những ngày hè nắng nóng, toàn thành phố mất nước sạch cả mấy ngày liền đã làm cho các cơ quan, đơn vị và người dân lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước. Anh Nguyễn Văn K và nhiều hộ dân phường Hiến Nam bức xúc cho biết: giữa lúc trời nắng nóng, nước bị mất 3 ngày liền, bà con không thể đục đâu ra nước; khi có nước thì chảy nhỏ giọt, nhiều nhà đành mua thêm máy bơm, nhưng chật vật mãi mới có đủ nước để dùng. Các hộ dân ở phường Lê Lợi ngán ngẩm: dùng nước máy mà vừa thiếu lại vừa đục thì thà dùng nước giếng khoan.

Trả lời những thắc mắc, bức xúc của người dân, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên kinh doanh nước sạch Hưng Yên thản nhiên cho biết: mất nước là do bị mất điện. Nhưng khi hỏi tại sao những năm trước mất điện nhiều hơn năm nay mà không hề mất nước, thì Công ty lại vòng vo: do nguồn nước ngầm không đủ để bơm, do mạng lưới dùng nước của bà con hiện nay quá rộng, nhiều hộ dân tích trữ nước; trong khi đó, nhà máy vẫn hoạt động đảm bảo công suất. Người dân cho rằng: trả lời như vậy là thiếu thuyết phục. Bởi việc đổ lỗi cho mất điện là không đúng, việc mở rộng mạng lưới sử dụng nước thì phải theo thiết kế, đảm bảo công suất cho phép. Dư luận nhân dân thành phố Hưng Yên cho rằng, đó cũng là cung cách phục vụ của tình trạng "độc quyền".

Được biết, trên địa bàn thành phố Hưng Yên hiện mới có khoảng hơn 6.000 hộ dân sử dụng nước máy trong tổng số hơn 20.000 hộ. Con số này cho thấy việc đáp ứng nhu cầu sử dụng và cung ứng nguồn nước sạch với người dân còn quá hạn chế. Dư luận cho rằng, phía Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên kinh doanh nước sạch Hưng Yên cần phải có giải pháp hữu hiệu để tránh tình trạng nước sạch thì thiếu, mà người dân vẫn thờ ơ.