Kỳ 2: Nhận diện những vướng mắc, bất cập

Thực thi hiệu quả Luật Khoáng sản 2010 đã tạo bước chuyển biến lớn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tại địa phương đã cho thấy nhiều quy định của pháp luật đang gây cản trở quá trình phát triển của ngành kinh tế quan trọng này.

Chặt chẽ nhưng còn chưa hợp lý

Đánh giá về thực thi Luật Khoáng sản năm 2010,ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Giang cho biết, những quy định đã tạo ra hành lang, chính sách mới về khoáng sản theo hướng chặt chẽ, minh bạch, quản lý được nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, khi áp dụng tại địa phương còn nhiều điểm chưa hợp lý. Quy định về trình tự hồ sơ thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản (cát, sỏi) còn rườm rà, kéo dài thời gian, chưa phù hợp với thực tế của địa phương chủ yếu có mỏ quy mô nhỏ, trữ lượng ít và thường xuyên thay đổi do mưa lũ, nếu lập thủ tục xin cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định thì sẽ không đủ điều kiện, mất thời gian, nên khó thu hút các doanh nghiệp và đầu tư khai thác.

Khai thác đá tại mỏ đá Hưng Long, thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành

Việc bổ sung quy hoạch, lập thủ tục thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản liên quan đến nhiều ngành và liên quan đến quy hoạch phát triển rừng, trong khi đó có nhiều điểm mỏ nằm trong quy hoạch đất trồng rừng sản xuất, do đó, thời gian lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh ra ngoài quy hoạch rừng thời gian kéo dài gây khó khăn cho việc đầu tư của các doanh nghiệp. Ngoài ra, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đội ngũ cán bộ cũng ảnh hưởng đến công tác theo dõi, phát hiện các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Đến nay, địa phương cũng chưa có kinh phí để tiến hành điều tra đánh giá hết tiềm năng khoáng sản trên địa bàn đưa vào quy hoạch nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

“Hiện tại trên địa bàn huyện đang thiếu hụt nguồn cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng việc lập thủ tục cấp phép rất khó khăn. Do vậy cần xem xét có cơ chế ủy quyền cho UBND cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các khu vực nhỏ lẻ với trữ lượng khoảng 1.000m3 - 2.000m3 để giải quyết nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện.”- ông Bình kiến nghị.

Theo đánh giá của ngành TN&MT Quảng Nam, Luật Khoáng sản 2010 chặt chẽ nhưng qua thực tiễn có nhiều điểm không hợp

Thực tế ghi nhận công tác quản lý khai thác khoáng sản VLXD tại nhiều địa phương ở miền núi của tỉnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn và không đủ để giải quyết nhu cầu xây dựng tại chỗ. Bởi theo nhiều địa phương, đặc thù của miền núi, cát, sỏi thường phân bố rải rác, nhỏ lẻ, trong khi đó, điều kiện để được cấp phép khai thác làm VLXD quá chặt chẽ nên nhiều trường hợp nếu lập thủ tục xin cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định thì sẽ không đủ điều kiện, mất thời gian, đôi khi làm chậm trễ tiến độ thi công công trình, không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính,... Từ đó, dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân chỉ lén lút khai thác trái phép.

Theo ông Võ Văn Hiếu - Phó phòng TN&MT huyện Phước Sơn, từ khi Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực thi hành, hoạt động khoáng sản trên huyện đã có những chuyển biến tích cực, lợi ích Nhà nước thu được từ khoáng sản đã thấy rõ. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đã có ý thức thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ vẫn còn diễn ra, gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; việc quy định cho phép hộ kinh doanh khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác tận thu cần phải rõ ràng, cụ thể, công bằng.

Ngoài ra, vấn đề đóng cửa mỏ phải quy định chặt chẽ, đảm bảo việc bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp nội dung, gây phiền hà cho cộng đồng xã hội. Công tác thiết kế mỏ cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, gây nên tình trạng lúng túng trong quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Những vướng mắc cần được tháo gỡ

Một bất cập được nhiều địa phương Quảng Nam đề xuất được gỡ vướng là hiện nay Luật Khoáng sản chưa quy định rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại nơi khai thác, chưa cụ thể về mức độ, tỷ lệ đóng góp, hỗ trợ người dân. Việc quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ trong các quy định còn mang tính chung chung tự nguyện, không rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện. Từ đó, dẫn đến chưa đảm bảo được quyền lợi của địa phương và người dân tại nơi khai thác khoáng sản.

Cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của Luật Khoáng sản để hoạt động khai thác khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả hơn

“Thực tế số lượng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản quan tâm hỗ trợ người dân và địa phương nơi có khoáng sản trên địa bàn huyện còn khiêm tốn. Hiện nay chưa có các văn bản dưới Luật hướng dẫn thực hiện tại Điều khoản này nên địa phương không có cơ sở để xử lý theo quy định. Việc tự nguyện đóng góp ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng nơi khu vực khai thác chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp, nhà nước và chính quyền và người dân sở tại.”- ông Ngô Bốn – Phó trưởng phòng TN&MT huyện Duy Xuyên cho biết.

Một vấn đề khác là sự chồng chéo giữa Luật đất đai với Luật Khoáng sản. theo quy định của Luật Đất đai thì các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh phải thực hiện thủ tục đất đai theo hình thức thỏa thuận với chủ sử dụng đất, không thuộc trường hợp thu hồi đất như các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT. Điều này dẫn đến thực trạng ở Quảng Nam là sau khi được cấp phép hoạt động khoáng sản, ở nhiều nơi, việc giải phóng đền bù rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép vẫn chưa thực hiện khai thác vì lý do không đạt được sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.

Phần lớn các mỏ được cấp phép tại Quảng Nam chấp hành quy định về lắp camera, trạm cân...

Ngoài ra, các quy định về việc yêu cầu xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư còn bất cập. Các quy định về phương án cải tạo, phục hồi môi trường, giám đốc mỏ, thủ tục đóng cửa mỏ ở các trường hợp khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình có khối lượng đất, đá dôi ra từ các dự án san nền, thời gian khai thác ngắn, sau khi kết thúc khai thác đã tạo được mặt bằng theo thiết kế của dự án còm rườm rà, phức tạp. Việc thiếu và chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý và hoạt động khoáng sản tại địa phương.

Kỳ 3: Hiến kế khai thác hợp lý, bền vững và hiệu quả