Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Bộ TN&MT sẽ quyết liệt xử lý ô nhiễm tại làng nghề tái chế chì Đông Mai

Ngày đăng: 08:34:17 30-03-2019

​​Chiều 20/3, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TN&MT thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại làng tái chế chì Đông Mai thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.​

Tham gia Đoàn công tác Bộ TN&MT có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ TN&MT. Cùng đi kiểm tra với Đoàn công tác của Bộ TN&MT có ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên.

Nghề tái chế chì Đông Mai, thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện cách đây 40 năm và phát triển mạnh vào những năm 1990. Thời kỳ cao điểm, cả thôn có trên 100 hộ làm nghề thu gom, phá dỡ bình ắc quy và tái chế chì. Công việc tái chế chì được tiến hành ngay trong khu dân cư và xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít, gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước ngầm. Ngoài ra hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế cũng phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nguồn không khí.

Đến nay, cụm công nghiệp Đông Mai đã tách các cơ sở ra khỏi cụm dân cư. Tuy nhiên, vấn đề gốc để xử lý lượng kim loại tồn dư trong đất vẫn rất lớn, cần phải áp dụng nhiều biện pháp xử lý. Hiện nay, khu vực ô nhiễm tại các hộ dân là gần 4.000m2 và khu công cộng ô nhiễm chì tồn lưu (khu vực cây đa trước là ao làng sau bị chôn lấp bởi các chất thải phát sinh) là khoảng 400m2. Có điểm hàm lượng chì vượt quy chuẩn cho phép đến hơn 1.000 lần (so với quy định tại QCVN 03-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất).

Theo Tổng cục Môi trường, trước đây Công ty Blackmisth (Mỹ) đã hỗ trợ, tiến hành thử nghiệm xử lý đất ô nhiễm tại 21 hộ gia đình và đến thời điểm này đo lại vẫn an toàn. Công nghệ xử lý này cũng đã được triển khai ở Philippines và Indonesia và đạt hiệu quả tốt. Quá trình khảo sát, xử lý từ năm 2012 cho thấy, càng đào sâu xuống thì mức độ ô nhiễm càng cao nên việc di dời đất ô nhiễm đến nơi khác để xử lý vừa tốn nhiều triệu tiền và vừa không hợp lý, do đó, nên sử dụng biện pháp cô lập và cách ly ô nhiễm. Hiện, lượng ô nhiễm chì tồn dư trong đất tại làng nghề Đông Mai còn nhiều, thời gian tới Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xử lý cải tạo môi trường góp phần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm chì tồn lưu mà xã hội và Chính phủ quan tâm.

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (thuộc Tổng cục Môi trường) tiến hành lấy mẫu đất tại làng Đông Mai

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, làng nghề Đông Mai đã có 150 hộ đã xây nhà, công trình trên đất ô nhiễm theo chương trình bê tông hóa một số công trình, đã xử lý đất ô nhiễm chì của trên 50 hộ theo chương trình của Mỹ, hiện trong làng còn hơn 100 hộ có đất ô nhiễm chì. Ngoài ra, Đông Mai còn tồn đọng 3 điểm chứa chất thải rắn, với tổng khối lượng chất thải nguy hại là 50.000 tấn.

Tỉnh sẽ triển khai phương án xử lý là di chuyển các hộ đang ở trên đất bị ô nhiễm; thu gom, di chuyển đất ô nhiễm chì và 3 điểm tồn đọng trên ra 1 điểm ở Khu công nghiệp làng nghề và xử lý đất ô nhiễm theo quy định hiện hành, sử dụng đất sau khi xử lý đó làm đất san lấp cho giai đoạn 2 của làng nghề tái chế chì.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ di chuyển các cơ sở tái chế chì hiện nay ra khu công nghiệp. Khu công nghiệp Ngọc Thiên đã được cấp phép. Làng nghề cũng đang làm thủ tục để xin Bộ TN&MT cấp phép.

Sau khi kiểm tra thực trạng môi trường tại làng nghề Đông Mai và nghe lãnh đạo tỉnh Hưng Yên báo cáo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Bộ TN&MT sẽ quyết liệt xử lý ô nhiễm tại làng nghề tái chế chì Đông Mai và làng nghề tái chế nhựa Minh Khai trong năm 2019. Ô nhiễm tại hai làng nghề này đã làm dân chúng rất bức xúc trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng môi trường của 2 làng nghề và đề xuất giải pháp xử lý. “Địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, đề xuất để yêu cầu Bộ giúp. Tổng cục Môi trường phải chủ động hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, quan trắc môi trường. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường phải đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm tại 2 làng nghề. Cái nào thuộc doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật, thuộc chính sách cơ chế của trung ương thì kiến nghị Thủ tướng, của địa phương thì địa phương phải thực hiện” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

(VEA)