Xanh hơn mỗi ngày - Từ suy nghĩ đến hành động

Ngày đăng: 06:33:54 20-04-2021

Giờ Trái Đất Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên(World Wildlife Fund) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong công cuộc bảo vệ môi trường toàn cầu.

(TN&MT) - Năm thứ 13 phát động Chiến dịch Giờ Trái đất, Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã lựa chọn thông điệp “Speak up for Nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên”. Không chỉ gói gọn các hoạt động trong 1 giờ tắt đèn vào tối thứ 7 cuối cùng của tháng 3 (27/3), Giờ Trái đất tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới năm nay tập trung vào các hoạt động trực tuyến và mạng xã hội, qua đó, kêu gọi các hành động giảm phát thải khí nhà kính và rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu.

Hành động để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới chuẩn bị thực hiện các yêu cầu bắt buộc giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hành động rắt đèn trong vòng 1 giờ - biểu thị ý thức của con người đối với tiết kiệm năng lượng, và hơn thế nữa là với các nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học và thiên nhiên nói chung.

Theo bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình năng lượng và khí hậu, WWF Việt Nam, từ vài năm trở lại đây, Giờ Trái đất không chỉ tập trung vào việc cắt giảm sản lượng điện tiêu thụ từ việc giảm sử dụng các thiết bị điện, mà xa hơn thế là giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trước mắt, năm 2021 chính là khoảng thời gian quan trọng để Chính phủ các quốc gia đề ra các nỗ lực phục hồi “xanh” sau thiệt hại từ đại dịch Covid-19.

Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến hàng hoạt thảm họa, bao gồm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng trên diện rộng và sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy việc ngăn chặn những tổn thất của thiên nhiên là hành động cấp bách để bảo vệ tương lai của chính chúng ta. Báo cáo Đánh giá về các mục tiêu đa dạng sinh học năm 2020 đã chỉ ra rằng, thế giới đã không đạt được các mục tiêu ngăn ngừa tổn thất thiên nhiên được đề ra cách đây một thập kỷ. Chính vì vậy, Giờ Trái đất là thời khắc then chốt để các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới xây dựng lộ trình phục hồi cho thiên nhiên vào năm 2030.

Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 kêu gọi mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần đồng lòng và song hành với Chính phủ để có thể thực hiện được kế hoạch này. Từng hành động nhỏ gộp lại có thể mang lại những thay đổi lớn, đặc biệt là trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu, giảm rác thải nhựa.

“Tại Việt Nam, WWF cùng đồng hành với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chiến dịch huy động toàn dân tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, qua các năm thực hiện, chương trình ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, lực lượng các bạn trẻ trong xã hội tham gia” - bà Nhung cho biết.

Nhằm lan tỏa hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, các đơn vị đã cùng nhau tuyên truyền tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và cùng với người thân trong gia đình tạo thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Đặc biệt, thử thách “30 ngày sống xanh” mở đầu cho Chiến dịch Giờ Trái đất trên mạng xã hội, trong đó kêu gọi và truyền cảm hứng cho các cá nhân thực hiện các hành động thân thiện với môi trường như: một tuần đi xe đạp, không bỏ phí thức ăn, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, công sở và nơi công cộng; sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; đầu tư, chuyển đổi, lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng…

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 (từ 20h30 - 21h30 ngày 27/3/2021), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh, tương đương khoảng 658,1 triệu đồng.

Hàng triệu người đã chia sẻ hình ảnh thực hiện thử thách của mình nhằm lan tỏa cho Chiến dịch kèm hashtag #GioTraiDat2021 #LenTiengViThienNhien và cùng “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 - 21h30 ngày 27/3.

Giảm phát thải khí nhà kính - Giảm rác thải nhựa

Trước tốc độ mất đa dạng sinh học với tốc độ chưa từng có và sự suy thoái nghiêm trọng của thiên nhiên, tại Việt Nam, Giờ Trái đất kêu gọi cộng đồng tập trung vào 2 chủ đề Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính và Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên. Đây là những vấn đề môi trường cấp thiết và không của riêng quốc gia nào.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), để thực hiện Thỏa thuận Paris, các quốc gia đã đề ra các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình. Trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vừa cập nhật, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030, và sẽ tăng đến 27% nếu có hỗ trợ quốc tế. Việt Nam là một trong 20 nước nộp sớm nhất bản báo cáo cập nhật này, và cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên đưa cam kết về biến đổi khí hậu vào trong Luật (Luật Bảo vệ môi trường 2020), để tất cả công dân đều có trách nhiệm tham gia.

Về rác thải nhựa, ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo cho biết, rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải chung tay giải quyết thách thức này. Nghị quyết Phát triển bền vững kinh tế biển đã đặt mục tiêu Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia đi đầu khu vực về giảm rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương lấy mốc năm 2025, Việt Nam phải giảm được 50% rác thải nhựa đại dương. Và quan trọng nhất là hình thành nền kinh tế về nhựa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, giảm lượng rác thải đẩy ra môi trường.

Bên cạnh đó, Giờ Trái đất năm nay tiếp tục đề cao tinh thần chủ động, tự giác thiết lập các thói quen sống xanh, lựa chọn tiêu dùng bền vững, tức là giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, vẫn đáp ứng được nhu cầu trong hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Nguyễn Thu Trang - thành viên sáng lập Tổ chức GreenHub chia sẻ, đó có thể là lựa chọn ăn cái gì, đi lại bằng phương tiện nào, mua sắm vật dụng gì, sử dụng và thải bỏ những vật dụng đó như thế nào. Lợi ích dài lâu là cho chính cuộc sống của bạn, vì bạn được hít thở không khí trong lành, được ăn sạch, được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên với đa dạng các loài sinh vật… Như vậy, mọi người không cần phải đợi một vài đơn vị nào đó tổ chức những chiến dịch thì mới có thể sống xanh được, mà chúng ta hoàn toàn có thể xanh hơn mỗi ngày, từ suy nghĩ, và hành động của mình.

Nguồn: Khánh Ly - Đức Khánh - baotainguyenmoitruong

tag: Chiến dịch giờ Trái Đất, Hành động bảo vệ môi trường