Liên hợp quốc kiên trì theo đuổi các thỏa thuận khí hậu toàn cầu

(TN&MT) - Có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động của con người có tác động lớn đến các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nhiên liệu do xung đột quân sự ở Ukraine khiến lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đặt tình trạng khẩn cấp về khí hậu lên hàng đầu trong các ưu tiên toàn cầu, trong đó có các thỏa thuận lớn về tài chính khí hậu và đa dạng sinh học.

Sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt gia tăng kỷ lục

Trong năm qua, Liên hợp quốc tiếp tục dẫn đầu nhiệm vụ khó khăn nhưng thiết yếu là đạt được các thỏa thuận khí hậu quốc tế, đồng thời, gây áp lực liên tục lên các nền kinh tế lớn nhằm cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các nước đang phát triển phải gánh chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Mùa hè năm 2022, khi các đợt nắng nóng kỷ lục được ghi nhận ở một số quốc gia châu Âu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo chúng ta sẽ phải làm quen với nhiều đợt nắng nóng tương tự hơn trong vài năm tới. Theo đó, châu Phi dự báo sẽ phải gánh chịu cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ hơn, đặc biệt là ở vùng Sừng Châu Phi, hàng triệu người buộc phải di dời và 4/5 quốc gia của lục địa này khó có thể quản lý bền vững nguồn cung cấp lương thực và tài nguyên nước đến năm 2030.

Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất

Còn tại Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào tháng 8/2022, sau lũ lụt lớn và lở đất do mưa gió mùa, tác động tới khoảng 1/3 đất nước. Hàng chục triệu người phải di dời.

Lũ lụt chưa từng có ở Tchad cũng đã ảnh hưởng đến hơn 340.000 người vào tháng 8 và tháng 10. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 3,4 triệu người ở Trung, Tây và Nam Phi cần được giúp đỡ trong trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ qua.

Trong Bản tin phát thải nhà kính tháng 10 vừa qua, WMO đã ghi lại chi tiết mức độ của 3 loại khí chính - carbon dioxide, nitơ oxit và metan - có nồng độ gia tăng lớn nhất trong một năm trong số 40 năm qua.

Thông qua các nghị quyết và thỏa thuận lớn

Bên cạnh việc công bố các báo cáo cho thấy sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt gia tăng kỷ lục như trên, năm 2022, Liên hợp quốc cũng thông qua một số nghị quyết và thỏa thuận nhằm mang lại môi trường lành mạnh, bảo vệ đa dạng sinh học và góp phần giải quyết mối đe dọa hiện hữu từ tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Ngày 28/7, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lịch sử tuyên bố việc tiếp cận với một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là quyền chung của con người. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đẩy mạnh nỗ lực để bảo đảm một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người.

Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập vào tháng 11/2022, các nhà đàm phán đã nhất trí thông qua thỏa thuận khí hậu tại phiên bế mạc. Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận chung tại COP27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Bên cạnh đó, Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 15 (COP15) diễn ra tại Montreal vào tháng 12 năm ngoái đã kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu mang tính lịch sử nhằm bảo vệ thiên nhiên trong tương lai, trong đó bao gồm việc bảo vệ các vùng đất và đại dương trên thế giới và hỗ trợ tài chính quan trọng đối với các nước đang phát triển nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Không chỉ năm 2023 mà nhiều năm tới, những thảm họa khí hậu mới chắc chắn sẽ vẫn diễn ra, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục phải hứng chịu viễn cảnh đáng báo động này. Thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, từ đó thúc đẩy việc chuyển những cam kết kết toàn cầu đạt được trong năm 2022 thành hành động cụ thể.