Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số

(TN&MT) - Ngày 17/8, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số”, nhằm bắt kịp xu thế tất yếu hình thành mô hình về tòa soạn số trên thế giới và áp dụng vào các cơ quan báo chí tại Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3, Đài truyền hình Việt Nam cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, trong xu thế chuyển đổi số chung của tất cả các ngành lĩnh vực, chuyển đổi số báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Thực chất của chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng. 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vinh hạnh là đơn vị phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ trong quản trị toàn soạn số”ngày hôm nay trong việc đưa ra các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp các cơ quan báo chí thể hiện năng lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Ông Lê Quốc Minh -  Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Theo ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tòa soạn số chính là tiền đề để tiếp tục thực hiện nguyên tắc đổi mới, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo cung cấp thông tin chính thống, kịp thời và thuyết phục về những việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nhân dân, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ vào lĩnh vực báo chí, truyền thông hiện nay, nổi bật chính là vấn đề trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý hoạt động số, và trong tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông. Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo AI trong quản trị nội dung toàn soạn, bước đầu giới thiệu về trí khôn nhân tạo cũng như những cơ hội và thách thức đối với báo chí. Hội thảo ngày hôm nay, bên cạnh việc tiếp tục công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI sẽ mở rộng bàn luận nhằm tìm kiếm các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu và mọi lớp cấu trúc của toà soạn số, thực tiễn và kinh nghiệm quản trị toà soạn số ở các cơ quan báo chí.

TS.Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận 

TS.Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận Tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam hiện nay, nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm xây dựng báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.

Theo đó, các cơ quan báo chí cần hoạt động, vận hành với mô hình tòa soạn hội tụ phù hợp với sự phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến bằng cách sản xuất nội dung, đưa các sản phẩm, nội dung lên nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cùng với đó giúp các cơ quan báo, chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm. Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm báo chí số sẽ làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng.

Trong ứng dụng Công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức, TS. Trần Tiến Công - Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, công nghệ AI có khả năng tự động tạo ra các đoạn văn bản và video dựa trên từ khóa cụ thể, đồng thời tối ưu hóa sự tương thích với mục tiêu và ngữ cảnh cụ thể của mỗi bài viết hoặc video. Chỉ với một vài từ khóa đơn giản, công cụ đã có thể tự động tạo ra được một bài báo với đầy đủ nội dung số bao gồm tiêu đề, các đoạn văn bản, và hình ảnh minh họa. AI cũng mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực truyền thông và tiếp thị, cho phép các tổ chức và cá nhân tận dụng hiệu quả sức mạnh của tự động hóa để tạo ra nội dung hấp dẫn và ảnh hưởng. Tuy nhiên, TS. Tiến Công lưu ý, việc tự động tạo ra nội dung vẫn cần sự giám sát và can thiệp của con người để đảm bảo tính chính xác, thông tin chính thống và không gây hiểu lầm cho người tiêu thụ nội dung.

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số”

Từ các tham luận của nhiều Nhà báo, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan Trung ương, Viện nghiên cứu, Đài truyền hình VTV, VOV,… Hội thảo mở ra các giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số và cách áp dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số tại Việt Nam qua các thảo luận, trao đổi và đóng góp ý kiến.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, Hội thảo đã nhận được 12 tham luận từ chuyên gia công nghệ, nhà báo, các nhà quản lý báo chí gửi về Ban tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay”.