Những “điểm nóng” về môi trường ở Hà Nội

Ngày đăng: 06:54:24 30-03-2017

Từ nay đến năm 2020: Vẫn chú trọng vấn đề rác thải dân sinh

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhiều người dân, Chi cục Bảo vệ môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quản lí để giảm thiểu ô nhiễm môi trường thành phố. Trong đó, Chi cục cũng đặc biệt chú ý đến 3 vấn đề trong Đề án các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp bảo vệ môi trường TP Hà Nội đến năm 2020 do TP phê duyệt, đó là: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải rắn và ô nhiễm nguồn nước mặt.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, năm 2013, Chi cục đã có tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường Đề án các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp bảo vệ môi trường TP Hà Nội đến năm 2020, trước tiên là xử lí các điểm ô nhiễm gây bức xúc. Trong giai đoạn vừa qua, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều kết quả, nhưng không tránh khỏi một số vấn đề về ô nhiễm môi trường thường xảy ra trong điều kiện kinh tế phát triển nóng. Điều này không riêng gì ở Hà Nội mà là vấn đề chung của các nước đang phát triển khác trên thế giới. Do đó, công tác bảo vệ môi trường hiện còn rất nhiều nan giải, nhất là nguồn lực để làm công tác này còn hạn hẹp, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không thể giải quyết được việc ô nhiễm môi trường.

Từ nay đến năm 2020, phương pháp xử lí môi trường vẫn chú trọng đến đảm bảo rác thải dân sinh. Hiện nay, Hà Nội đang mở rộng bãi rác Nam Sơn và yêu cầu các huyện ngoại thành chủ động xử lí rác thải tại địa phương dưới hình thức đầu tư các bãi chôn lấp hợp vệ sinh để xử lí rác thải sinh hoạt hàng ngày trong khu vực. Song song với vấn đề này, chúng ta cũng đã xây dựng một số tiêu chí để kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để xử lí rác tiên tiến như công nghệ đốt thông thường, plasma, xử lí rác phát điện…

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, TP cũng tiến hành xây dựng thêm bãi chôn lấp rác phía Tây TP đó là bãi chôn lấp Đồng Ké, hiện đã thu hồi đất xong, đây là khu tập trung của TP Hà Nội nhằm xử lí tình hình rác thải sinh hoạt phía Tây và phía Nam thành phố. TP cho phép nơi đây chủ yếu áp dụng công nghệ cao, TP chỉ đầu tư hạ tầng, còn lại là kêu gọi xã hội hóa đầu tư, hiện chúng tôi đang xây dựng tiêu chí. Ngoài ra cũng có một số dự án đã khởi công như: công nghệ đốt của Plasma ở Đông Anh… Như vậy, một vài năm trước mắt thì chúng ta vẫn phải sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Cụm công nghiệp, làng nghề: Khó xử lí

Về nước thải, trong những năm qua Thành phố đã tiến hành xử lí thí điểm thành công 10 hồ và lựa chọn được 4 công nghệ trong đó chú trọng đến công nghệ xử lí nước thải trong nước. Hiện, Sở TNMT đã báo cáo với thành phố chấm dứt giai đoạn thử nghiệm và bàn giao lại cho các quận huyện để tiếp tục xử lí và vận hành theo công nghệ đã được thí điểm.

Về các KCN thì hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã có 7/8 KCN có trạm xử lí nước thải đi vào hoạt động, còn 1 KCN là Sài Đồng B đã xây dựng hệ thống xử lí nước thải nhưng còn hệ thống đường dẫn thu gom nước thải là chưa xây dựng. Đơn vị xây dựng trạm xử lí nước thải là 1 đơn vị khác, còn đơn vị xây dựng hệ thống thu gom lại là BQL KCN lại chưa xây dựng.

KCN Nội Bài cũ không có trạm xử lí nước thải tập trung nhưng trong này có quy định, các DN vào đây đều phải tự xử lí nước thải theo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Cụm công nghiệp (CCN) rất nan giải vì trong đó có làng nghề, CCN do sở Công thương quản lí, được biết Sở này đã xây dựng đề án về các trạm xử lí nước thải cho CNN, các CNN xây dựng lâu thì do đất hạn hẹp nên giờ không còn đất để xây dựng trạm xử lí nước thải, khó khăn nữa là do CNN do UBND huyện quản lí trực tiếp nên dựa vào nguồn ngân sách để xây dựng trạm đã khó, nhưng để duy trì hoạt động lại là cả vấn đề.

Về làng nghề, hiện thành phố HN có 1.350 làng có nghề. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do hầu hết các hộ sản xuất có quy mô nhỏ hộ gia đình, đặt tại nhà hoặc nằm trong khu dân cư nên khó phát triển, khó xây dựng hệ thống xử lí môi trường. Đại đa số các hộ sản xuất chưa đầu tư triệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải, bụi, chất thải rắn. Nước thải sản xuất chưa qua xử lí được hòa chung với nước thải sinh hoạt của làng và hệ thống thoát nước mặt.

Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TNMT chủ trì thực hiện nhiệm vụ” khắc phục và cải thiện môi trường làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Thực hiện triển khai nhiệm vụ này, Sở TNMT đang tiến hành khảo sát, điều tra nhằm phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường làng nghề, xây dựng dự án đầu tư và triển khai hệ thống xử lí chất thải tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin và kiến thức, hướng dẫn các doanh nghiệp và hộ sản xuất áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, cải thiện và sắp xếp lại một số công đoạn của dây chuyền sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm. Chi cục BVMT đã xây dựng thí điểm mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng tại làng nghề Thanh Thùy, huyện Thanh Oai trong đó áp dụng áp sản xuất sạch hơn tại một số hộ sản xuất và đem lại hiệu quả tốt. Hay là xây dựng mô hình thu gom phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại xã Tiền Yên, Hoài Đức. Hiện mô hình này đang được tiếp tục mở rộng và nhân rộng tại địa phương và các huyện ngoại thành khác.

Khó quản lí vì không tập trung

Công việc thì nhiều, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn vì phân cấp về môi trường còn đang tản mạn, chưa tập trung về một mối, Sở TNMT chỉ quản lí về rác thải sinh hoạt ở các 17 huyện, còn lại các quận là do sở Xây dựng quản lí. Bên cạnh đó, mặc dù do Sở TNMT quản lí môi trường nhưng các bãi lại không do sở quản lí mà do Sở Xây dựng. Hay như trong việc quản lí hồ thì nhiều phân cấp, nhưng về vấn đề ô nhiễm chịu trách nhiệm chính là Sở TNMT, còn những mảng khác thì không thuộc Sở nên không tập trung, khó xử lí.

Hiện việc xử phạt của Chi cục áp dụng Nghị định 179, mức phạt cao nhất là 2 tỉ đồng, áp dụng theo Luật Thủ đô thì mức phạt gấp đôi, về mức phạt đủ sức răn đe nhưng mức phạt này mới áp dụng từ năm 2014 trong khi các tồn tại đã hình thành từ rất nhiều năm trước.

Cấp phép xả thải, quan trắc môi trường