Truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Công ty thép Pomina

Ngày đăng: 03:11:19 07-04-2015

Sáng 6-4, sau khi họp khẩn cấp để tìm giải pháp ứng phó sự cố mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép (thuộc Công ty cổ phần thép Pomina, đóng tại KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định thành lập “Tổ tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ” do ông Mai Thanh Quang, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ làm tổ trưởng.

Chiều cùng ngày, tổ này cùng với cục trưởng cục An toàn và bức xạ hạt nhân Vương Hữu Tấn xuống làm việc với nhà máy luyện phôi thép, Công ty cổ phần thép Pomina để chỉ đạo tìm kiếm. Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đã có công văn khẩn đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc.

chat-thai-nguy-hai-bi-that-lac

Trước đó, ngày 1-4, Công ty cổ phần thép Pomina đã có công văn gửi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo về việc mất nguồn phóng xạ. Đây là một trong năm nguồn phóng xạ phía công ty đã nhập về từ năm 2010, có tên khoa học là Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4), dùng để đo mức thép lỏng trong lò.

Ngay sau khi nhận công văn, Sở Khoa học và công nghệ, Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, đến sáng 6-4, các cơ quan chức năng không thể xác định được chính xác thời gian nguồn phóng xạ này bị thất lạc cũng như địa điểm hiện tại.

Theo báo cáo của đơn vị quản lý nguồn chất thải nguy hại, tháng 3-2015, khi tiến hành bàn giao công việc giữa nhân viên cũ và nhân viên mới phụ trách công tác an toàn phóng xạ, nhà máy mới phát hiện mất nguồn phóng xạ nguy hiểm này. Thời điểm cuối cùng xác định nguồn phóng xạ này còn tồn tại trong nhà máy là từ cuối năm 2014 khi một dây chuyền sản xuất của nhà máy bị trục trặc, nguồn phóng xạ này đã được lấy ra khỏi dây chuyền nhưng không được làm thủ tục nhập kho.

Từ tháng 1-2015, nguồn phóng xạ này đã không được quản lý. Như vậy, tính đến thời điểm này, nguồn phóng xạ bị thất lạc trên đã mất kiểm soát hơn 3 tháng nay. Cục trưởng Cục An toàn và bức xạ hạt nhân Vương Hữu Tấn cho biết nguồn phóng xạ này có tính nguy hiểm rất cao nếu bị lấy ra khỏi các ống chì bảo vệ, do đó, công tác tìm kiếm lại rất cấp bách.