Hiểm họa môi trường mới từ nhà máy Lee & Man

Ngày đăng: 01:58:37 05-07-2016

Chỉ riêng việc người đứng đầu ở Lee&Man thừa nhận dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã làm dư luận đã bàng hoàng. Trước quan ngại sông Hậu có thể bị bức tử dưới tác động của nhà máy giấy Hậu Giang, do Lee&Man Paper (Trung Quốc) làm chủ đầu tư, một phái đoàn chuyên trách gồm cả những chuyên gia hàng đầu trong ngành xử lý chất thải đã xuống nhà máy để kiểm tra.

ong-giam-doc-chung-wai-fu

Nội dung kiểm tra tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải. Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Lee&Man trong thực hiện các quy định liên quan. Cuối cùng, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hệ thống giám sát.

Chưa biết kết quả kiểm tra thế nào nhưng nhiều người hy vọng nhà máy Lee&Man ...đừng đi vào hoạt động. Bởi chỉ riêng việc người đứng đầu ở Lee&Man thừa nhận “kể từ khi khởi động lại (năm 2014), dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường”, dư luận đã bàng hoàng. Thực ra, nhà máy giấy Lee&Man từng thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường vào năm 2008, không lâu sau khi khởi công. Tuy nhiên, đây là một báo cáo sơ sài. Một dự án “khủng”, xếp vào tốp các nhà máy giấy lớn nhất thế giới, với vốn đầu tư hàng tỉ USD, ảnh hưởng đến cả khu vực rộng lớn dọc sông Hậu mà khi thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, lại chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân và cũng chỉ gửi văn bản cho Ủy ban Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc xã Phú Hữu A (Châu Thành, Hậu Giang). Đã vậy, kinh phí dành cho công tác giám sát chất lượng nước thải lại dự trù chưa đến... 50 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, công nghiệp giấy là một trong những ngành có sức tàn phá môi trường nặng nề nhất. Ngoài thải xút (NaOH) là chủ yếu, các nhà máy giấy thường thải ra đủ loại chất độc hại như cyanua, thạch tín, đe dọa nghiêm trọng môi trường, nhất là nguồn nước. Đó là lý do thế giới xếp nhà máy giấy vào diện phải lưu tâm đặc biệt về môi trường. Xét riêng nhà máy Lee&Man, nếu hoạt động đúng công suất thiết kế, các nhà khoa học ước tính, lượng nước thải xả ra môi trường sẽ vào khoảng 226.000 m3/ngày. Muốn xử lý số nước thải này, nhà máy Lee & Man cần đến 30 tấn xút/ngày. Chẳng có gì bảo đảm lượng nước thải và lượng xút không gây tác hại đến sông Hậu cũng như các vùng sản xuất Tây Nam sông Hậu.

Bởi thế, dù cơ quan ban ngành đã cử đoàn thanh tra vào cuộc như một động thái kịp thời trước lo ngại của dư luận, nhưng yêu cầu cấp thiết hơn là cần đánh giá lại dự án Lee&Man một cách toàn diện. 10 năm trước, nhà máy giấy này được cấp phép. Nhưng nay, biến đổi khí hậu và tác động thủy điện trên thượng nguồn Mêkông đã khiến môi trường thiên nhiên thay đổi, đất đai, sông ngòi ngày càng khô cạn. Điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh tiêu chuẩn về khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường. Và việc chấp thuận cho những nhà máy ảnh hưởng lớn đến môi trường như Lee&Man càng phải soi xét kỹ.

khu-xu-ly-nuoc-thai

Cũng cần nói thêm, Hậu Giang không phải là vùng đất phù hợp để xây dựng các nhà máy giấy. Vùng này thấp trũng, lại là nơi giao thoa của hai chế độ thủy triều biển Đông và biển Tây nên khả năng trao đổi nước chậm. Nếu xảy ra sự cố môi trường nước, theo giới nghiên cứu, khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn nước sẽ chậm và làm ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất. Hậu Giang cũng không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm mà khoán hết cho doanh nghiệp. Vì thế, tuy Lee&Man đã cam kết xử lý nước thải loại A, nhiều người vẫn cứ phập phồng. Có nhiều thắc mắc được đặt ra. Tại sao xử lý được nước thải, Lee&Man lại không tái sử dụng mà dự tính thải trở lại môi trường? Hậu Giang cũng không gần các vùng nguyên liệu, các khu kinh tế phát triển. Nơi đây thiếu cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh giấy. Vậy vì cớ gì Lee&Man lại chọn đặt nhà máy tại đây?

Hỏi để thấy rằng, kiến nghị di dời nhà máy Lee&Man ra khỏi Hậu Giang là xác đáng. Đành rằng di dời một nhà máy khổng lồ như Lee&Man là rất phức tạp và tốn kém nhưng vì an toàn môi trường, đây là việc phải làm. Cả khi di dời, việc thẩm định, giám sát nhà máy cũng cần được thực hiện chặt chẽ. Giám sát này phải minh bạch cả về hai khía cạnh. Một là nhà máy Lee&Man phải cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến thời gian giám sát, công cụ đo đếm, các tiêu chuẩn, quy trình vận hành, khả năng đạt được của nhà máy. Hai là phải rõ ràng về mặt trách nhiệm cá nhân cũng như cho phép sự tham gia giám sát từ phía người dân. Thảm họa môi trường là một trong những sai lầm không bao giờ có thể sửa chữa được. Một khi thảm họa xảy ra, con người sẽ không thể né tránh. Khi ấy, nói đến trách nhiệm cũng vô ích. Nhiều bằng chứng cho thấy, sức tàn phá do môi trường bị ô nhiễm khốc liệt đến mức không chỉ cây cỏ, đất đai, sông ngòi mà tài nguyên động thực vật, đời sống con người cũng bị hủy diệt. Sự hủy diệt này có khi kéo dài hàng chục năm, hàng trăm năm, thậm chí vĩnh viễn. Những dòng sông chết như Mississippi (Mỹ), Trường Giang (Trung Quốc)… là minh chứng sống động cho tình trạng này.

cac-hang-muc-nha-may

Việt Nam cũng đã có những con sông bị ô nhiễm nặng. Đó là sông Kỳ Cùng, sông Hiến, sông Bằng Giang, sông Tô Lịch, sông Thị Vải… Nếu cứ dễ dãi cho phép những nhà máy như Lee&Man hoạt động, hậu quả sẽ rất tàn khốc. Khi đó, không chỉ hàng triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại mà cả Việt Nam, với sự liên quan chặt chẽ đến vùng lúa gạo lớn nhất, vùng nuôi trồng thủy sản đi đầu, sẽ gánh họa trên mọi phương diện, từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Nhà máy giấy Lee&Man (Trung Quốc) có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD, trên diện tích khoảng 82 ha ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhà máy được xây dựng từ tháng 8.2007, tái khởi động vào năm 2014, dự kiến chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7.2016 và chính thức hoạt động sau đó 1 tháng.

Nhà máy có công suất 420.000 tấn giấy/năm, 330.000 tấn bột giấy/năm. Nhà máy cần lượng nước xử lý là 270.844 m/ngày đêm. Nhà máy đã được cấp giấy phép xả thải với lưu lượng xả thải lớn nhất 50.000 m/ngày đêm. Lee&Man đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất nhỏ hơn, chỉ 20.000 m/ngày đêm. Trung bình 1 tấn giấy cần 200-500 m nước sạch và cũng tương đương lượng này thải ra môi trường. 1 tấn giấy, bột giấy cũng cần 50 kg xút làm chất tẩy.

Theo: tinmoitruong.vn