Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhanh chóng triển khai các công việc nhằm thống nhất quản lý chất thải rắn

Ngày đăng: 09:17:43 21-03-2019

Sáng 19/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp thảo luận về các nhiệm vụ cấp bách về quản lý chất thải rắn nhằm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ.

Tham gia cuộc họp có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nghe các đơn vị: Tổng cục Môi trường, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo và đóng góp các ý kiến về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thống nhất quản lý chất thải rắn (CTR), kết quả rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn nhằm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ.

Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thống nhất quản lý chất thải rắn

Tại cuộc họp, Tổng cục Môi trường đã báo cáo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thống nhất quản lý chất thải rắn với 05 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung; rà soát, đánh giá thực trạng hiện nay và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý chất thải rắn; tổ chức Đoàn công tác đi học tập, nghiên cứu chính sách và quy định về quản lý chất thải rắn; tổ chức Hội thảo toàn quốc về chất thải rắn; xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9 năm 2019.

Thống nhất với các nhóm nhiệm vụ của Kế hoạch đã đề ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo Tổng cục Môi trường sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch nhằm nhanh chóng tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là đối với chất thải rắn sinh hoạt, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài báo cáo tại cuộc họp

Cần xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về quản lý chất thải rắn

Bên cạnh việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thống nhất quản lý chất thải rắn, trong thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP, Bộ TN&MT đã khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý CTR để đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan.

Để thống nhất quản lý nhà nước về CTR, Bộ TN&MT dự kiến chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đề xuất với Chính phủ một số phương án khắc phục các bất cập trong lĩnh vực này, như: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất ban hành, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR; đối với các nội dung liên quan đến quản lý CTR trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực, Bộ quản lý ngành ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng phải có ý kiến đồng thuận của Bộ TN&MT.

Về xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý CTR, Bộ TN&MT thống nhất xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý CTR; các Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT trong quá trình thực hiện. Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý CTR.

Về tổ chức định kỳ đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR, Bộ TN&MT chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR trong các lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành và địa phương và là đầu mối tổng hợp, dự báo tình hình CTR trên cơ sở thông tin do các Bộ, ngành và địa phương cung cấp; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về CTR.

Về chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý CTR, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối thống nhất thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý CTR các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện các nội dung thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.

Về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý CTR, công tác quản lý nhà nước đối với CTR; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến CTR; xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTR, Bộ TN&MT đầu mối thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về CTR; các Bộ, ngành thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường liên quan đến CTR trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Về phân cấp cho các địa phương trong quản lý CTR, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong các hoạt động phân loại, thu gom.... theo hướng dẫn của các Bộ TN&MT; ban hành đơn giá liên quan phù hợp với địa phương; ban hành các QCVN địa phương liên quan; quản lý các dịch vụ công về CTR; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và các nội dung khác theo quy định và phạm vi quản lý.

Hai Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Hoàng Văn Thức và Nguyễn Hưng Thịnh

(từ trái qua phải)

Tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế công tác quản lý CTR tại các địa phương

Song song với việc rà soát các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý CTR, Bộ TN&MT cũng đang lập kế hoạch tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế công tác quản lý CTR tại các địa phương nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể về thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước, phục vụ việc xây dựng và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý CTR.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo Tổng cục Môi trường tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương để kiểm tra rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước của các địa phương. “Trong thời gian tới, Bộ sẽ giao Tổng cục Môi trường làm đơn vị chuyên môn, hỗ trợ Bộ TN&MT tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý CTR trên toàn quốc, ở cả khu đô thị và nông thôn. Nếu đơn vị nào vi phạm thì quyết định thanh tra toàn diện, và nếu sai phạm nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì đề nghị đóng cửa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai mô hình đấu thầu cung cấp dịch vụ xử lý CTR trên toàn quốc dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn, kỹ thuật do Nhà nước ban hành, từ đó, công bố công khai toàn quốc về các dự án xử lý CTR đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật để các địa phương lựa chọn dự án xử lý CTR phù hợp cả về công nghệ và giá cả phù hợp với địa bàn mình quản lý.

Ngoài vấn về quản lý CTR thì rác thải nhựa cũng là một vấn đề nhức nhối hiện nay đối với Việt Nam, do đó, Bộ trưởng đề nghị: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ cần có thêm những quy định để kiểm soát, ngăn chặn việc phát tán rác thải nhựa, kể cả những loại rác thải nhựa siêu nhỏ, để thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, quản lý tốt hơn và toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực hiện tốt công những công việc trên sẽ giúp Bộ đánh giá lại toàn bộ hiện trạng quy hoạch các đơn vị xử lý chất thải, thu gom, vận chuyển, quản lý chất thải rắn. Từ thực trạng đó, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương có những chính sách quản lý cho phù hợp, sẽ đề xuất những lộ trình tăng cường, đưa ra những giải pháp về công nghệ phù hợp với tình hình mỗi địa phương, đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về quản lý chất thải rắn. Điều này sẽ kiện toàn lại và đưa ra những giải pháp về lâu dài, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn.

Bộ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá mô hình công nghệ các cơ sở xử lý chất thải tại các địa phương; tham vấn các ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế, mời các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm để lập quy hoạch tổng thể, đồng bộ và phù hợp với chính sách phát triển của Việt Nam…

Toàn cảnh cuộc họp

Tổ chức Hội nghị toàn quốc và các hội thảo kỹ thuật và về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn

Nhằm tập trung tri thức, kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia trong nước và quốc tế về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn, Bộ TN&MT dự kiến triển khai tổ chức 03 hội nghị chuyên môn và 01 Hội nghị toàn quốc.

Đối với công tác tổ chức Hội nghị toàn quốc về các chủ trương, giải pháp cấp bách về chất thải rắn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị cần tổ chức hội thảo chuyên môn về cơ chế chính sách định mức để làm sâu sắc hơn những vấn đề liên quan đến những sửa đổi luật, nghị định, thông tư liên quan…

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh cuộc hội thảo về cơ chế chính sách, Tổng cục Môi trường sẽ cần phối hợp với các đơn vị trong Bộ TN&MT tổ chức thêm các hội thảo về các mô hình quản lý, công nghệ xử lý… và mời các tổ chức, địa phương tham gia, đóng góp những kinh nghiệm để đưa ra những ý kiến, sáng kiến, mô hình thuận lợi, phù hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn.

Căn cứ vào kết quả của các nhiệm vụ nêu trên và kết quả của Hội nghị toàn quốc, Bộ TN&MT sẽ xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

(VEA)