Hành động nhỏ để thay đổi môi trường lớn

(TN&MT) - Sau thành công của Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu 2023 (GYS 2023) diễn ra tại Việt Nam vừa qua, những ý tưởng, sáng kiến xanh của các em học sinh đến từ khắp các châu lục đã lan toả thông điệp và hành động tích cực trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái đến với xã hội, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng và rất nhiều bạn trẻ bắt đầu hành động vì môi trường.

Em Joe Chen – Đại học Quốc gia Đài Loan trình bày dự án về hệ thống phát hiện ô nhiễm

Trong các dự án nổi bật tại Hội nghị vừa qua, em Joe Chen – Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết, điều em mong muốn mang đến cho GYS Việt Nam 2023 là sự chuyển đổi suy nghĩ thành hành động vì môi trường đến tất cả mọi người. Trong đó, em cùng nhóm của mình đã thực hiện dự án về sáng chế một hệ thống để phát hiện các dữ liệu môi trường liên quan đến chất lượng không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay và đưa ra một số giải pháp phù hợp để thích ứng, cũng như giảm thiểu khói bụi từ ô nhiễm không khí trong những khu vực có mật độ dân số đông đúc. Từ hệ thống này, em hy vọng cung cấp một công cụ nền tảng có thể được sử dụng để đo lường chất lượng không khí, giúp cho sự nghiên cứu của các nhà khoa học về khí hậu và phục vụ cho các bản tin dự báo kịp thời.

Em Fy Ena (trái) và em Smael Shafeak (phải) đến từ Campuchia mang đến Hội nghị sáng kiến sử dụng chất thải nhựa tái chế đồ dùng hữu ích

Mang các sản phẩm tái chế đến Hội nghị GYS Việt Nam 2023, em Fy Ena và em Smael Shafeak (14 tuổi) – đại diện các em học sinh đến từ Campuchia đã chia sẻ sáng kiến sử dụng chất thải nhựa để tái chế thành những đồ dùng hữu ích trong cuộc sống như dùng các vỏ chai nước nhựa để biến hoá thành những chiếc giỏ hay các hộp đựng đồ,…

Đối với các rác thải nhựa không được tái chế khác như vòng nhựa nắp chai, các em đã khéo léo sáng tạo thành những chiếc xách xinh xắn có thể dùng khi đi chơi, đi du lịch và nhóm em làm chỉ mất khoảng 1 – 3 tiếng để hoàn thành. Qua đó, khi mang các sản phẩm trình bày với Ban giám khảo tại Hội nghị, các em đã giao bán thành công 2 món đồ tái chế cho một vị giám khảo với giá 4 đô la. Em Fy Ena vui mừng cho biết, Hội nghị GYS chính là nơi để các em có thể sáng tạo và thực hiện hoá được những ý tưởng xanh của mình ra với bạn bè quốc tế, đồng thời mong muốn chủ đề em mang lại GYS Việt Nam 2023 sẽ có thể truyền cảm hứng cho những bạn trẻ tại Hội nghị hay trên thế giới nói chung phát triển được những ý tưởng tích cực trong việc tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống hiện nay.

Em Nguyễn Nguyệt Linh - đại diện cho các em học sinh tại Việt Nam đã trình bày ý tưởng dự án em mang đến Hội nghị mang tên “A.C.T”

Đại diện cho các em học sinh tại Việt Nam, em Nguyễn Nguyệt Linh đã trình bày ý tưởng dự án em mang đến Hội nghị mang tên “A.C.T” về việc thay đổi nhận thức, thay đổi bản thân và lan toả đến cộng đồng trong các hoạt động liên quan đến bảo vệ và gìn giữ môi trường. Việc em thực hiện dự án này dựa trên những kinh nghiệm và các dự án trước đó em đã làm, như cách em tác động đến nhận thức của mọi người thông qua việc thực hiện các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường và tuyên truyền để mọi người hưởng ứng. Theo đó, em kêu gọi mọi người cùng tham gia vào các hoạt động về môi trường tại trường lớp, khu vực em sinh sống,… từ đó, em có thể lan toả được tình yêu môi trường đến nhiều người hơn, cũng như thay đổi được hành vi, nhận thức của họ, đặc biệt là các em nhỏ đến việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.

Ví dụ thực tế trong dự án “A.C.T” của nhóm các em đang tổ chức những buổi triển lãm liên quan đến việc bảo vệ hành tinh sống của chúng ta và mang đến những địa điểm như các quán café, các trung tâm giáo dục,… để có thể mang thông điệp các em chia sẻ đến nhiều người.

Bà Ang Swee Ann – Chủ tịch Quỹ Hemisphere – Singapore

Bà Ang Swee Ann – Chủ tịch Quỹ Hemisphere – Singapore cho biết, từ những năm 90 cho đến nay, vấn đề môi trường luôn được các nhà chức trách quan tâm hơn bao giờ hết, không chỉ riêng Singapore mà còn các nước trên thế giới, bởi hiện nay, có những vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến môi trường, khí hậu trái đất như tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu một phần do nạn chặt cây, đốt rừng, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, xả thải, rác thải nhựa không được xử lý, tái chế,… Bà Ang thấy rằng, hầu hết tình trạng này xuất hiện nhiều tại các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ,… và đã tồn tại từ rất lâu nên việc giải quyết cũng đang là một bài toán khó cho các nước.

Vì vậy, bà đã suy nghĩ đến việc “hành động nhỏ” để từ đó “thay đổi môi trường lớn” bằng cách tiếp cận thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường trong lứa tuổi nhỏ nhất, bà cùng đồng sự đi đến các trường học, từ bậc tiểu học đến đại học trong nước để tuyên truyền về lợi ích của việc bảo vệ môi trường, sau đó thu nhận những ý tưởng sáng tạo trong việc các em học sinh có thể làm gì để bảo vệ môi trường sống, giữ trái đất xanh hiện nay.

Với việc thực hiện chuỗi hành trình xanh xuyên suốt từ năm 2014 đến nay, bà đã thành công trong việc nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các em học sinh đóng góp những sáng kiến, ý tưởng xanh để bảo vệ môi trường không chỉ ở trong nước mà còn tại các nước. Chỉ riêng trong năm 2014, với hơn 450 học sinh, sinh viên đến từ 15 quốc gia, đã tham gia đóng góp ý tưởng của mình. Con số này vượt quá sức tưởng tượng của bà Ang và các đồng sự, do đó, bà đã hình thành ý tưởng thành lập Quỹ Hemisphere, với mục đích mở ra một chiến dịch hành động liên quan đến bảo vệ môi trường qua việc thu nhận những ý tưởng xanh đến từ các bạn trẻ trên khắp các nước và Quỹ sẽ thực hiện hỗ trợ các bạn biến những ý tưởng ấy thành hiện thực để giúp lan toả đến cộng đồng, đồng thời Quỹ thực hiện đăng cai vòng quanh các nước mỗi năm 2 lần. Hiện nay chiến dịch của Quỹ Hemisphere đã thu hút rất nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới tham dự, đóng góp, xây dựng và thực hành những ý tưởng xanh hiệu quả đến cộng đồng.

Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu (GYS 2023) diễn ra tại Việt Nam

Từ những kết quả mà Hội nghị GYS đạt được trong những năm qua, Quỹ Hemisphere đã liên kết với những doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có thể kể đến việc đưa những ý tưởng của các em học sinh về nghiên cứu và tái chế rác thải, rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu dụng, thân thiện với môi trường. Hội nghị GYS lần này được đăng cai tại Việt Nam đã chứng minh được điều đó với khẩu hiệu: “Đã đến lúc phải hành động vì môi trường”.

Bà Ang Swee Ann khẳng định: “Chúng ta cần phải bảo vệ, hành động vì trái đất, vì trái đất chính là nơi chúng ta sinh sống, nếu bạn không hành động, vậy ai sẽ hành động? Nếu chỉ nói thì không có ích gì, đã đến lúc phải bắt tay thực hiện. Hãy hành động bằng một bước nhỏ như nhặt rác ở trên sàn và mang nó đi tái chế. Từ những hành động đơn giản, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi to lớn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh này, nơi mà tương lai không còn những vấn nạn về rác thải và ô nhiễm…”