Công ty Thoát nước nói gì khi xả nước làm trôi kết quả thí điểm trên sông Tô Lịch?

Ngày đăng: 10:21:14 22-07-2019

Moitruong24h - Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng sau đợt xả nước, toàn bộ sinh vật có lợi bị cuốn trôi khỏi khu thử nghiệm trên sông Tô Lịch. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết không nhận được phản hồi gì từ phía đơn vị đang thí điểm.

Sông Tô Lịch thay đổi khác lạ sau khi nhận hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây. Ảnh TT

Sông Tô Lịch thay đổi khác lạ sau khi nhận hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây. Ảnh TT

Về phản ánh khi xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào, toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết: "Phía đơn vị thí điểm đưa ra nhiều nguyên nhân để lùi thời gian lấy mẫu kết quả, trong đó có nguyên nhân do xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Điều này tôi thấy bình thường và họ cũng không có phản ứng gì trực tiếp với bên công ty".

Ông Sương cho rằng, việc xử lý, giải quyết ô nhiễm của con sông Tô Lịch và phòng chống úng ngập của thành phố phải song song.

"Về việc thử nghiệm công nghệ Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch, theo tôi hoạt động này phải đảm bảo hoạt động bình thường, an toàn của hệ thống thoát nước của thành phố", ông Sương nói.

Theo lãnh đạo công ty Thoát nước Hà Nội, vấn đề xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch là việc được thành phố quan tâm và phía công ty cũng rất coi trọng.

Trao đổi về việc xả hơn 1 triệu mét khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, ông Sương khẳng định: "Thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định đơn vị này phải hạ mực nước đệm trên hệ thống ao hồ của TP, trong đó có hồ Tây.

Mực nước của hồ Tây (rộng khoảng 500 ha) đang cao hơn quy định khoảng 25 cm. Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện xả để đưa mực nước hồ Tây xuống mức bình thường là đúng quy định vận hành.

Trước đó, Tiến sĩ Tadashi Yamamura - Chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản vừa chính thức gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan đề nghị lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá và công bố kết quả giai đoạn thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.

Đề cập đến lý do xin lùi thời gian lấy mẫu đánh giá, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho hay, khi kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor đặt tại vị trí thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, các chuyên gia Nhật Bản phát hiện toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã bị cuốn.

"Trong 3 ngày (9-12.7.2019), khoảng hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây đã được xả trực tiếp vào đầu nguồn sông Tô Lịch - nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi đánh giá rằng, đây là nguyên nhân khách quan và đảm bảo an toàn cho thành phố trong mùa mưa, nên việc xả nước là theo đúng quy định của UBND Thành phố.

Tuy nhiên, sau đợt xả nước, khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá"- Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết.

Chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết thêm, gần như họ phải làm lại từ đầu và cần thời gian tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi thì lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan.

"Chúng tôi hiểu việc xả nước từ Hồ Tây là công việc thoát lũ mùa mưa để đảm bảo an toàn theo đúng chủ trương và chỉ đạo của UBND Thành phố.

ANH THƯ/Laodong