Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản: Việt Nam – Nhật Bản sẽ kết hợp tốt trong công tác xử lý chất thải, rác thải công nghiệp

Ngày đăng: 11:05:28 24-01-2019

(TN&TM) – Ngày 11/1, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ môi trường Việt Nam – Nhật Bản đã diễn ra cuộc họp lần thứ I Ban công tác Hỗn hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Môi trường Nhật Bản về quản lý, xử lý chất thải phát điện. Tham dự và chỉ đạo cuộc họp có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Takaaki Katsumata.

Cuộc họp còn có sự góp mặt của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành của Việt Nam, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường của cả hai nước.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ) và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE), Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác môi trường được ký kết ngày 13/12/2013.

Dựa trên bản ghi nhớ, các cuộc đối thoại chính sách giữa MOEJ và MONRE đã được tiến hành. Cuộc đối thoại mới nhất (cuộc đối thoại lần thứ 4) được tổ chức vào ngày 26/3/2018 tại Tokyo. Tại cuộc đối thoại lần thứ 4, hai Bộ đã nhất trí thành lập Uỷ ban Hỗn hợp.

Mục tiêu của Uỷ ban Hỗn hợp (UBHH) là cải thiện hệ thống vệ sinh công cộng và bảo tồn môi trường ở Việt Nam. Hướng tới mục tiêu này, cần thiết lập hệ thống quản lý chất thải phù hợp, dựa trên chính sách và các công nghệ 3Rs, bao gồm cả chuyển đổi chất thải thành năng lượng.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong những năm gần đây, cuộc cách mạng phát triển công nghiệp, nông nghiệp tạo ra bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp tạp ra bước phát triển mạnh mẽ cho kinh tế xã hội Việt Nam, nâng cao mức sống của người dân, đồng thời cũng làm phát sinh một lượng lớn chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường. Lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng đang tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không có những giải pháp hiệu quả để quản lý và xử lý chất thải.

Toàn cảnh cuộc họp của Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam được xử lý chủ yếu thông qua qua phương pháp chôn lấp, trong đó có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Ngoài ra, trên cả nước hiện nay có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phần mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã).

Theo số liệu ước tính khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu huỷ chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuòng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; CTR được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (bioga) hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ (compost) nhưng số lượng còn rất ít. Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.