BÁO ĐỘNG Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC TRONG NGÀNH CHẾ BIẾN THỦY SẢN

Ngày đăng: 14:16:48 05-07-2018

Báo động ô nhiễm nguồn nước trong ngành chế biến thủy sảnNgành chế biến thủy sản đang là một trong các ngành sản xuất chủ lực của nước ta, đã và đang phát triển vượt bậc. Thế nhưng, cùng với sự phát triển đó là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường nước. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau đây.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, mà đơn cử là ô nhiễm nguồn nước đang là một vấn nạn, việc thiếu nước sạch gây đe dọa lớn đến đời sống của các sinh vật trên hành tinh bao gồm cả con người. Trước tình hình đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm bàn luận tìm biện pháp khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm. Và tại Việt Nam, các buổi thảo luận về đề tài môi trường vẫn được diễn ra thường niên, các cuộc vận động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân vẫn được tổ chức định kỳ. Thế nhưng, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật để bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại. Bởi tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa khá nhanh, song song đó là sự ra đời của nhiều khu công nghiệp sản xuất chế biến như: dệt nhuộm, thủy sản, cao su,… khiến ô nhiễm nguồn nước ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Như trong bài trước chúng tôi đã đưa tin, ngành đánh bắt và chế biến thủy sản ở Việt Nam có thế mạnh do nằm tiếp giáp với bờ biển 3.260m trải dài từ Bắc vào Nam. Trong những năm qua, ngành đã và đang phát triển không ngừng, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, lại kéo theo tình trạng gây ô nhiễm do xử lý nước thải chế biến thủy sản không triệt để, hoặc vi phạm các quy tắc bảo vệ môi trường.

Thực trạng ô nhiễm môi trường nước do chế biến thủy sản: “Tức nước thì vỡ bờ”

Ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng tại các cơ sở chế biến đang ngày càng đáng báo động. Thế nhưng trong nhiều năm qua, người dân kêu cứu nhưng chẳng mấy ai đoái hoàn. Chúng ta còn nhớ sự kiện cách đây gần 1 năm về trước (9/2015), người dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã phản ứng quyết liệt trước nạn ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do tình trạng cá chết từ các nhà máy chế biến hải sản nằm gần cổng xả số 6 của khu chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyên Tân Thành đổ trực tiếp ra sông. Chính điều đó đã gây ra nhiều bức xúc cho người. Và, hàng chục hộ dân đã vớt xác cá chết mang đến đổ trước cổng một số nhà máy chế biến hải sản, yêu cầu cơ quan chức năng sớm có câu trả lời nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Thế nhưng, họ chỉ nhận được những câu trả lời dạng “qua loa” không thỏa đáng, quá bức xúc người dân đã đem cá đến trước trụ sở UBND tỉnh kêu cứu. Đó là khoảng thời gian được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Có thể thấy, vấn nạn này không chỉ ở riêng Vũng Tàu, mà xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong một phóng sự ở Cà Mau, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và phạt hành chính 43 cơ sở chế biến vi phạm trên cả nước, và trong số 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phát hiện từ năm 2014 đến nay thì: 1 cơ sở đã giải thể, 2 cơ sở đã ngừng sản xuất. Theo dư luận cho rằng, ô nhiễm môi trường còn cao hơn con số thống kê vì toàn tỉnh hiện có gần 3.500 cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhưng thẩm quyền quản lý của Sở Tài Nguyên và Môi Trường chỉ ở mức 56 cơ sở.

Lỗi do đâu?

Theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường Cà Mau, vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất chế biến nói chung là chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng lại không đạt chuẩn và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật xử lý nước thải đạt chất lượng đầu ra theo quy định.

Cũng theo thống kê cho biết, chỉ riêng lĩnh vực chế biến thủy sản hiện vẫn có đến 16% cơ sở chế biến tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, một số cơ sở chưa có đủ 5 công đoạn quan trọng trong hệ thống xử lý nước thải gồm: bể tuyển nổi (dùng để tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng. Do đó, hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường còn thấp.

Lo ngại hơn nữa, ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp tập trung thì có rất nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ nằm lẫn trong các khu dân cư cũng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm. Các cơ sở này thường không được đầu tư nhiều về máy móc lẫn công nghệ, và thường bị phát hiện xả thải trực tiếp ra môi trường.

Xử lý không xuể

Rất nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện và xử lý trên địa bàn cả nước, thế nhưng con số đó vẫn còn chưa xuể. Cụ thể, ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm nay đã tập trung xử lý xử phạt 22 cơ sở vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước, đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định. Song, người dân vẫn cho rằng nhiều doanh nghiệp đang lén lúc xả thải ra môi trường.

Còn ở Bạc Liêu, đoàn liên ngành đã kiểm tra tại 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bệnh viện (trong đó có 63 cơ sở thu mua, sơ chế và nhà máy chế biến thủy sản), phát hiện 9 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đã phạt hành chính với tổng số tiền lên đến 1,1 tỷ đồng, bên cạnh đó cũng cảnh cáo 29 cơ sở khác,…

Báo động ô nhiễm nguồn nước trong ngành chế biến thủy sản 3

Hỉnh ảnh một dây chuyền sản xuất hiện đại - Ảnh minh họa. Photo by Internet.

Còn ở tp Cần Thơ, chỉ riêng CTCP Chế biến Thực phẩm Sông Hậu năm 2014 đã bị phạt hành chính trên 778 triệu đồng do không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu lưu trữ tạm thời theo quy định, dầu mỡ xả thải vào môi trường nước không đúng quy định, xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Thậm chí phải đình chỉ hoạt động 3 tháng do sản xuất có phát sinh nguồn nước thải vượt quy chuẩn cho phép.

Theo những dữ liệu trên cho thấy, ô nhiễm môi trường nước có sự “góp sức” rất lớn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, do phần lớn đều được tập trung ở một số vị trí như hạ lưu các con sông với mật độ dày đặc và sản lượng chế biến lớn. Bên cạnh đó là công nghệ chế biến còn thô sơ, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thô thì chỉ sử dụng khoảng 60% cho xuất khẩu, còn lại thì vứt bỏ hoặc sử dụng không hiệu quả dễ gây ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ, để hạn chế và khắc phục tình trạng ô nhiễm như hiện nay, cần nâng cao nhận thức của từng người dân, cán bộ quản lý đơn vị kết hợp với tiếp thu các công nghệ xử lý nước thải công nghiệp nói chung và cho ngành chế biến thủy sản nói riêng.

Sơ lược về công nghệ xử lý nước thải trong chế biến thủy sản

Theo bài “Công nghệ xử lý nước thải trong chế biến thủy sản” chúng tôi đã đưa tin, khảo sát tại một số nhà máy chế biến hải sản, nước thải chủ yếu được phát sinh trong quá trình rửa sạch và sơ chế nguyên liệu. Do sự đa dạng về chủng loại, hình thức chế biến nên các thành phần trong nước thải của ngành thủy hải sản hết sức phức tạp và chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường.

Nước thải trong quá trình chế biến thường có các mảnh thịt vụn, máu và nội tạng của các loại thủy sản, ngoài ra còn có các loại vảy cá, xương và mỡ cá,… vì thế nước thải thường có mùi hôi, tanh. Sẽ thật nguy hiểm cho nguồn nước tự nhiên nếu nước thải được xả ra môi trường mà không được xử lý trước.

Nước thải thủy sản được thể hiện qua các chỉ tiêu SS, BOD, COD, N P, dầu mỡ, máu. Đặc biệt là trong nước thải thủy sản chứa lượng SS khá cao do trong quá trình chế biến loại bỏ các bộ phận của nguyên liệu như: vỏ tôm, vây, mang, đầu cá và dầu mỡ (trong chế biến cá basa).

Bên cạnh các nhà máy sản xuất cần áp dụng các công nghệ tiên tiến, thì các cơ sở chế biến nhỏ lẻ (không chỉ riêng ngành thủy sản) cần tìm hiểu và tham khảo các giải pháp sử dụng vi sinh xử lý nước thải để giảm mức độ ô nhiễm của nước thải đầu ra, phần nào hạn chế được ô nhiễm nguồn nước như hiện nay.

Người dân cần nâng cao nhận thức và tuyên truyền bảo vệ “VÌ MÔI TRƯỜNG XANH - SẠCH - ĐẸP”.

Theo: Internet - EcoClean t/h.