Sức ép rất lớn về chất thải rắn

Ngày đăng: 04:32:01 07-08-2014

Theo kết quả thống kê, đến năm 2009, chỉ với 35 tỉnh thành, lượng chất thải nguy hại phát sinh đã vào khoảng 700.000 tấn, nhưng lượng chất thải được thu gom, vận chuyển, xử lý bởi các đơn vị được cấp phép hành nghề chỉ là 100.000 tấn.

Theo báo cáo, Việt Nam đang gặp những sức ép rất lớn về môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng. Trên phạm vi toàn quốc, chất thải rắn phát sinh ngày càng tăng với tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm và dự báo còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại.

Ngày 7/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo, công bố Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2011. Với chủ đề Chất thải rắn, báo cáo đã nêu lên hiện trạng, những tác động tiêu cực của chất thải rắn đối với môi trường và các giải pháp tổng thể quản lý.

Trong khi đó, tại thành thị, việc không được phân loại, xử lý bằng cách thu gom lẫn lộn và chủ yếu là đem chôn lấp. Còn tại nông thôn, việc xử lý chất thải rắn vẫn còn rất thô sơ, lạc hậu và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải rắn công nghiệp được thu gom với tỷ lệ trên 90%, những vấn đề quản lý và xử lý sau thu gom lại chưa được kiểm soát tốt.

Đặc biệt, về rác thải y tế, Báo cáo cho thấy các bệnh viện đều tiến hành thu gom, phân loại chất thải, nhưng phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn và không có các trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn. Việc xử lý chất thải y tế chưa được đầu tư đồng bộ ở các tỉnh, thành phố. “Đặc biệt quan ngại là hoạt động thu hồi và tái chế chất thải rắn y tế đang thực hiện không đúng theo quy chế quản lý chất thải y tế đã ban hành” – báo cáo cảnh báo.

Theo báo cáo, hiện riêng khối lượng rác thải y tế nguy hại được xử lý đạt chuẩn chỉ chiếm 68% tổng lượng phát sinh chất thải y tế nguy hại trên toàn quốc. Số còn lại (32%) chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo cũng nêu rõ, hai thành phần chất thải rắn được liệt vào loại cực kỳ nguy hiểm là kim loại nặng và chất hữu cơ khó phân hủy. Các chất này có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản, thực phẩm cũng như trong mô tế bào động vật, nguồn nước và tồn tại bền vững trong môi trường gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm đối với con người như vô sinh; tác động lên hệ miễn dịch gây ra các bệnh tim mạch, tê liệt hệ thần kinh, giảm khả năng trao đổi chất trong máu, ung thư và có thể di chứng di thật sang thế hệ thứ 3.

Mặc dù nguy hiểm như vậy, nhưng việc quản lý chất thải rắn ở Việt Nam hiện còn rất nhiều bất cập và khó khăn, mà theo Bộ Tài nguyên và Môi trường là bắt nguồn từ chính sự thiếu rõ ràng trong các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, sự chồng chéo trong hệ thống tổ chức quản lý, thiếu đầu tư đồng bộ dẫn đến công tác triển khai thực hiện không đạt.

rac-thai-y-te

rác thải nguy hại y tế

Chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 350 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại chiếm 20-25%. Đó là chất thải có tính lây nhiễm như máu, dịch, chất tiết, bộ phận cơ thể, phóng xạ...

Báo cáo nhấn mạnh, xử lý vấn đề rác thải rắn cần thực hiện theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “Người được hưởng lợi về môi trường phải trả tiền”, có nghĩa là mỗi người dân đều có nghĩa vụ tham gia đóng góp kinh phí để đảm bảo duy trì dịch vụ quản lý chất thải rắn. Ngoài ra, cần phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như tăng cường hiệu lực bộ máy thanh tra, kiểm tra, kết hợp các biện páp chế tài, xử phạt vi phạm hành chính đối với quản lý chất thải rắn.

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn đã và đang trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các nước có nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng hy vọng rằng, Báo cáo sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng của Việt Nam.