Kiểm soát chặt các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường

Ngày đăng: 03:54:08 15-02-2017

Thời gian qua, hàng loạt các giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên cả nước đã được triển khai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT); các làng nghề còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT)… đã và đang gây những bức xúc trong nhân dân.​

https://sites.google.com/site/quantracvaphantichmoitruong/tin-tuc/_draft_post-6/xa-thai.jpg

Tổng cục trưởng Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN và MT) TS Nguyễn Văn Tài cho biết: Trong năm 2016, Tổng cục đã tiến hành thống kê, rà soát, tổng hợp các nguồn thải ra biển và cửa sông ven biển có khối lượng từ 1.000 m3/ngày/đêm trở lên tại 26 tỉnh, thành phố; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thải ra sông, biển có khối lượng thải từ 200 m3/ngày/đêm trở lên để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng về môi trường. Ðáng chú ý, năm 2016, Bộ TN và MT đã triển khai 109 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.176 tổ chức, gồm bốn cuộc kiểm tra hành chính và 105 cuộc thanh tra chuyên ngành các lĩnh vực như: BVMT, khoáng sản, tài nguyên nước, khí hậu thủy văn, biến đổi khí hậu…

Bộ TN và MT cũng tổ chức kiểm tra đột xuất tại 23 tỉnh, thành phố để thanh tra 137 tổ chức có nguồn nước thải từ 500 m3/ngày/đêm trở lên. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 375 tổ chức, với tổng số tiền hơn 36,77 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị thu hồi ba giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ.

Bên cạnh đó, tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QÐ-TTg đã có sự chuyển biến tích cực. Ðến nay, đã có 171 trong số 435 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 1788 cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, tăng 24 cơ sở so với năm 2015 (đạt tỷ lệ 39,3%). Hầu hết các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo quyết định này đều phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần giảm tác động ÔNMT tới cộng đồng.

Ðối với làng nghề, đã tập trung điều tra, rà soát danh mục các làng nghề gây ÔNMT trên phạm vi cả nước, đến nay đã xác định được hơn 100 làng nghề cần phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ và ưu tiên nguồn lực xử lý triệt để ô nhiễm cho đến năm 2020. Tính đến tháng 12-2016, cả nước có 1.800 làng nghề được công nhận, trong tổng số hơn 4.500 làng nghề và làng có nghề; có 50 tỉnh, thành phố ban hành văn bản, hoặc có điều khoản quy định về BVMT làng nghề; 16 tỉnh, thành phố ban hành quy chế về công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống…

Hoạt động kiểm soát, giảm ÔNMT tại KCN, CCN, làng nghề thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên cả nước có 283 KCN có cơ sở đã đi vào hoạt động, với tổng lượng nước phát thải gần 450 nghìn m3/ngày/đêm. Trong đó, có 212 KCN đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 75%), với 82 hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động (đạt tỷ lệ 39%). Công tác quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, chất thải công nghiệp cũng được đẩy mạnh, nhất là tập trung nâng cao chất lượng quản lý CTR nông thôn. Cụ thể, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nội thành của các đô thị đạt khoảng 85% và khu vực ngoại thành của các đô thị đạt khoảng 66%; tỷ lệ thu gom CTR công nghiệp thông thường đạt hơn 90%. Ngoài ra, lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh tại hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn đều đã được thu gom, xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Riêng công suất xử lý CTNH của các cơ sở xử lý CTNH được Bộ TN và MT cấp phép khoảng 1,3 triệu tấn/năm; số lượng CTNH do các đơn vị này thu gom, xử lý được tăng nhanh theo các năm.

Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay, vẫn còn nhiều KCN, CCN chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT đã gây ÔNMT. Các làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ÔNMT; tại các lưu vực sông, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến các hệ sinh thái giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái. Trong khi đó, tổ chức bộ máy của ngành còn có sự chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm với các ngành khác dẫn đến sự phối hợp còn nhiều bất cập, hiệu quả giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn chưa kịp thời.

Công tác thanh tra, kiểm tra chưa trở thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật; chưa tập trung giải quyết được các vấn đề bức xúc trong công tác quản lý nhà nước về TN và MT gây bức xúc trong xã hội. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về BVMT của các chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích trước mắt, coi nhẹ công tác BVMT còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT, nhất là tình trạng ÔNMT tại các làng nghề, KCN, CCN gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép; không đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) đã được phê duyệt.

Tiến hành rà soát, đánh giá ÐTM, biện pháp BVMT của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ÔNMT; chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá ÐTM, không để tình trạng dự án không lập báo cáo đánh giá ÐTM, hoặc thực hiện đánh giá ÐTM chỉ là hình thức. Tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục việc quan trắc môi trường biển tại bốn tỉnh miền trung, cập nhật và công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cả nước biết và giám sát, nhất là tại các nhà máy, khu vực có nguy cơ gây ÔNMT.

Ðề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; các dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang), dự án Núi Pháo (Thái Nguyên), dự án DAP Ðình Vũ (Hải Phòng) để bảo đảm chắc chắn không tái diễn sự cố gây ÔNMT và dự phòng kế hoạch, biện pháp xử lý nếu để xảy ra sự cố như thời gian qua…

Nhandan

Từ Khóa: Xử lý chất thải, giấy phép xả thải