Bài đăng Không có tiêu đề

Ngày đăng: 03:57:43 21-06-2017

Theo báo cáo của Tổng Cục Môi trường, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế 7%/năm, thì phải đảm bảo phát triển điện với tốc độ khoảng 11%/năm. Với tốc độ tăng trưởng đảm bảo mục tiêu phát triển, nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường quyết liệt, nghiêm túc thì Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả môi trường.

Đứng trước thực trạng đó, chiều 20/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo "Bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay".

Báo cáo về chuyên đề Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết: “Hiện tại, nhiệt điện than hiện cung cấp khoảng 35% tổng sản lượng điện và có chiều hướng tăng nhanh trong giai đoạn tới (theo quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất vào năm 2030).”

“Trong đó, 20 dự án nhà máy nhiệt điện than (NMNĐT) đang hoạt động với tổng công suất 14.675 MW, tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm. Đến năm 2030, tổng công suất sẽ lên tới khoảng 55.300 MW, chiếm 53,2% lượng điện sản xuất và tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.”, ông Tài nói.

Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của các NMNĐT, ông Tài cho rằng: “Trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện công nghệ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.”

Tuy nhiên, vừa qua, Tổng Cục Môi trường đã tiến hành thanh tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 19 nhà máy nhiệt điện và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình về bảo vệ môi trường đối với 4 nhà máy nhiệt điện. Qua kiểm tra, nhiều nhà máy còn những tồn tại, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có nhà máy đã xảy ra sự cố và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã đề nghị một loạt giải pháp như: Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn môi trường đối với nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường tỷ lệ cây xanh trong các nhà máy nhiệt điện; có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp;...

Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng cho biết: “Trong thời gian tới Chính phủ sẽ xem xét việc lựa chọn công nghệ hiện đại để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thân thiện với môi trường đồng thời sẽ tính đến phương án tái chế, tái sử dụng xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng."

"Còn đối với các hoạt động của các dự án khác, Bộ trưởng cho biết, Bộ TN&MT và Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ nhất là vấn đề công nghệ, công tác bảo vệ môi trường trước khi tham mưu Chính phủ cho phép có đầu tư dự án hay không…”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Thế Hưng